Báo cáo tình hình đầu tư các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 496 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và đứng 11 cả nước.
Mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước Châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, Châu Âu. Trong đó, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%, thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%, thứ tư là Đài Loan chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Hiện doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp tại Hải Dương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn nói riêng cho đến nay vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, nhiều nội dung được phản ánh từ doanh nghiệp bao gồm: Làm gì để khơi thông thị trường xuất nhập khẩu; Việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp, dịch vụ logistics, vấn đề về cấp điện, thoát nước; Cải cách thủ tục hành chính...
Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng: Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hải Dương còn có hạn chế, chưa tạo được sự thông thoáng cần thiết; một số vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp chưa được xử lý, tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng... Những hạn chế, yếu kém, có một phần nguyên nhân do cơ chế, chính sách chung; song phần nhiều xuất phát do nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan nhà nước, từ đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Một số nhà đầu tư cũng cho kiến nghị: Hải Dương cần tiếp tục đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và các tiện ích đi kèm với các khu công nghiệp như nhà ở xã hội cho công nhân, nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống điện. Việc đào tạo nguồn nhân lực cần bám sát nhu cầu thực tế, trong đó coi trọng đào tạo lao động có tay nghề về cơ khí, kỹ thuật, lao động có chuyên môn cao về điện, điện tử, xuất nhập khẩu, ngoại ngữ…, thích ứng được với công nghệ số hóa đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Hội nghị gặp mặt lãnh đạo tỉnh Hải Dương với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn |
Về thủ tục hành chính, tỉnh cần tiếp tục cải cách hơn nữa để giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục, như: thủ tục cấp giấy phép lao động, thủ tục xuất nhập cảnh.
Các nhà đầu tư cũng mong muốn tỉnh Hải Dương tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ổn định kinh tế-xã hội và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp.
Trước những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp FDI, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp, sự chia sẻ của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cam kết sẽ tếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong phạm vi của tỉnh, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm; còn đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tiếp thu và có kiến nghị tháo gỡ kịp thời.
Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc ngay sau đối thoại với các doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh phải quán triệt nghiêm túc tinh thần của Chính phủ với phương châm, quan điểm “chính quyền kiến tạo”; thay đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” với mục tiêu xuyên suốt là “vì doanh nghiệp”.
Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ, cán bộ công chức; đề cao và gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.
Với phương châm: “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được chia sẻ tháo gỡ”; tỉnh Hải Dương cam kết sẽ luôn gắn bó, đồng hành và tiếp tục ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.