Hà Nội tạm cấp gần 128 tỷ đồng để kiểm định chung cư cũ |
Số tiền này thuộc nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025 để kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ tại địa bàn Hà Nội.
Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ, tổng hợp báo cáo HĐND thành phố.
Liên quan đến việc sử dụng ngân sách tạm cấp cho các quận, huyện để kiểm định chung cư cũ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách đúng chủ trương của Thường trực HĐND thành phố; hướng dẫn UBND các quận, huyện sử dụng kinh phí đúng mục đích và quy định. Sở Xây dựng quản lý, theo dõi, đôn đốc việc kiểm định chung cư cũ; tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả.
Trước đó, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 02, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn thành phố trong giai đoạn tới.
Theo đó, Hà Nội tổ chức thực hiện các kế hoạch liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, gồm: Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ, phấn đấu hoàn thành công tác này trên địa bàn thành phố trước quý IV/2023;
Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; phấn đấu hoàn thành trước quý IV/2023; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố - đợt 1, tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2- 3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, tiến hành nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022…
Tại kỳ họp giữa năm 2022, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.Theo đó, Thành phố Hà Nội quyết đến năm 2030 triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp).
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã bổ sung thêm 2 khu tập thể cũ thuộc quận Long Biên vào danh mục tháo dỡ để cải tạo, xây dựng lại sau khi 100% các chủ sở hữu đồng ý thống nhất chủ trương xây dựng mới là Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản tại 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long.
UBND Thành phố Hà Nội dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ
Thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến việc tiến độ triển khai tiến hành chậm, giai đoạn từ 2005 - 2014 mới hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai.
Từ năm 2014, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm. Sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số gần 1.600 chung cư cũ.
Với việc Thành phố Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù trong đó có nội dung sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức việc kiểm định chung cư cũ được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.