![]() |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc sự kiện |
Ngày 11/3, tại Quảng trường Khu đô thị Royal City (Hà Nội), Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới". Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường.
“Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới” - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
![]() |
Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội nhấn nút phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 |
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có lịch sử hình thành và phát triển nhiều năm trên thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Đã có nhiều kết quả, nhiều dấu ấn nổi bật được các cơ quan, tổ chức nỗ lực xây dựng và thực hiện. Trong số đó, không thể không kể đến sự tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là Thành phố Hà Nội, địa phương luôn dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Phát biểu hưởng ứng tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công Thương và Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ Người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân để thực thỉ có hiệu quả Luật Bảo vệ Quyền người tiêu dùng góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại sự kiện |
Hà Nội cũng sẽ tổ chức 26 sự kiện xúc tiến thương mại tri ân người tiêu dùng, triển khai Chương trình khuyến mại tập trung, Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Thành phố.
“Với mục tiêu kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước, Hà Nội mong muốn và tin tưởng rằng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh thành nói riêng và cả nước nói chung” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố, và chi tiêu của người dân.
Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Điều này nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022 của thành phố.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền đến cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm để hiểu rõ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
“Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết, xác nhận các hợp đồng mẫu liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân theo đúng các quy định của pháp luật”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.