Doanh nghiệp xăng dầu nghỉ bán, Bộ Công Thương nói gì? Bi hài những ngày xăng khan hiếm phải bỏ học, nghỉ làm vì sợ dắt xe Cửa hàng xăng treo biển nghỉ bán, thiếu xăng hay găm hàng? |
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu xin nghỉ bán vì thiếu nguồn cung. |
Địa phương đề nghị khẩn trương cung ứng xăng dầu
Trong chiều ngày 11/10, các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều kiến nghị, chỉ đạo khẩn về tình hình xăng dầu. Tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công thương cung ứng khẩn gần 74.000m3 xăng dầu, trong khi đó tỉnh An Giang, Đồng Tháp… tăng cường kiểm tra các cây xăng, nhất là sau phiên điều chỉnh giá lúc 15 giờ chiều cùng ngày.
Theo đó, chiều 11/10, ông Lê Quốc Anh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối cung ứng khẩn 73.560m3 xăng dầu (mỗi loại 36.780m3).
Tại An Giang, Sở Công thương tỉnh này đã tiếp nhận 24 (trong tổng số 559 cửa hàng xăng dầu) thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Sở Công thương chỉ chấp thuận cho 2 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường.
Trên địa bàn tỉnh có 30 cửa hàng vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân được xác định do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng.
Trạm cấp phát xăng dầu ở phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên (An Giang) đóng cửa ngừng hoạt động. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN) |
Theo ghi nhận tình hình kinh doanh xăng dầu tại nhiều địa phương, sau thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong ngày, nhiều cửa hàng xăng dầu tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… bắt đầu nhập hàng bán trở lại.
Trước thực trạng trên, ngành công thương các địa phương kêu gọi người dân bình tĩnh, tình trạng khan hiếm xăng dầu vừa qua chỉ là cục bộ, sắp tới các bộ, ngành sẽ có tính toán, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho nền kinh tế. Vì trên thực tế, xăng dầu trong nước không hề khan hiếm.
Trước đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường giám sát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Bộ họp khẩn với doanh nghiệp xăng dầu
Từ tối 11/10, Bộ Công thương đã phát thư mời ‘hỏa tốc’ tới lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp sẽ do Bộ Công thương chủ trì.
Theo đó, hôm nay (12.10), Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.
Thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua gặp bất ổn về nguồn cung. Đặc biệt liên tục trong những ngày gần đây, hàng trăm cây xăng tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam phải tạm ngừng hoạt động do hết hàng, một số cây xăng chỉ bán cầm chừng hoặc tạm đóng cửa do nguồn cung không còn hàng.
Loạt tỉnh thành phía nam liên tục có báo cáo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương cũng thừa nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, các cửa hàng đóng cửa bán vẫn "không phải hiện tượng phổ biến bởi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động".
Trong thực tế, chỉ riêng tại TP.HCM, đến ngày hôm qua (11.10) đã có 137 cửa hàng xăng dầu hết hàng để bán. Người dân phải đổ dồn sang các cây xăng khác gây nên tình trạng ùn tắc liên tục tại các cây xăng còn hàng từ sáng đến chiều.
Thậm chí, đến chiều hôm qua, sau khi liên Bộ thông tin điều chỉnh tăng hàng loạt giá xăng dầu, nguồn cung cũng chưa mấy sáng sủa, số cửa hàng tạm ngưng bán hàng vẫn tiếp tục tăng.
Một cây xăng trên đường Huỳnh Văn Lũy, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương kéo hàng rào nghỉ bán trong ngày 10/10/2022. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Cũng theo Bộ Công thương, báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối cho thấy lượng tồn kho của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống. Chẳng hạn, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn kho đến ngày 8.10 là khoảng 489.000 m3, trong đó, có 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) còn khoảng 11.000 m3; Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex Đồng Tháp) còn khoảng 45.000 m3; Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...
Nguồn cung xăng dầu khan hiếm, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Người dân gặp khó khi mua xăng dầu, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống./.