Các doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại (Ảnh minh họa) |
Trên cơ sở hướng dẫn của các sở, ban ngành địa phương, hiện các doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre đã xây dựng phương án từng bước hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trong tình hình mới gắn liền với công tác phòng chống dịch.
Từ ngày 01/10, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre được phép hoạt động, trừ các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực: karaoke, vũ trường, massage, quán bar, các khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, thẩm mỹ. Riêng các doanh nghiệp ăn uống, nhà hàng, các hộ gia đình bán thức ăn, giải khát được phục vụ tại chỗ (không quá 20 người, mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách giữa 2 bàn tối thiểu là 2 mét, bảo đảm 5K và không bán rượu, bia) khuyến khích bán mang đi.
Đến ngày 07/10/2021, toàn tình Bến Tre có 2.224 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, với hơn 65.000 lao động, chiếm 54% so với tổng số doanh nghiệp hoạt động và tăng 1.559 doanh nghiệp so với khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trong số 2.224 doanh nghiệp hoạt động trở lại, có 19 doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” với gần 3.400 lao động và 2.205 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, với 62.037 lao động.
Đối với địa bàn tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp thực hiện truy cập vào website http://kcnvietnam.vn để thực hiện tự đánh giá mức độ lây nhiễm dịch Covid-19 của doanh nghiệp. Tính đến ngày 07/10/2021, có tổng tộng 3.865 doanh nghiệp đã thực hiện cập nhập thông tin, trong đó có 3.117 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 748 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Theo đó, qua đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 3.149 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 668 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 48 doanh nghiệp thuộc nguy cơ trung bình.
Các doanh nghiệp trên điạ bàn tỉnh Đồng Nai đang khôi phục sản xuất theo các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Ngoài các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp trước đây ngừng hoạt động do không thực hiện 3 tại chỗ nay có nhu cầu hoạt động trở lại và được chấp thuận cho người lao động đi về hàng ngày.
Các chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại |
Cùng với việc các doanh nghiệp hoạt động trở lại, các chợ truyền thống cũng được mở cửa trở lại để giúp tăng cung ứng hàng hóa cho người dân, đồng thời ổn định kinh doanh cho các tiểu thương, nhiều chợ truyền thống tiếp tục được mở lại.
Tính đến ngày 08/10/2021, TP. Hồ Chí Minh đã cho phép 34/234 chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại sau khi đã xây dựng Phương án/ Kế hoạch hoạt động an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, tại khu vực nội thành, nhiều chợ như chợ Bến Thành, chợ Tân Định và Đa Kao (quận 1); chợ Vật Tư, Vật liệu xây dựng, Hòa Bình, An Đông và Kim Biên (quận 5) ; chợ Thiếc, Phú Thọ, Bình Thới (quận 11); chợ Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp (quận 12); chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ Kiến Thành, Bà Hom (quận Bình Tân); chợ Võ Thành Trang, Bàu Cát (quận Tân Bình); chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú)…
Ngoài ra, tại huyện Cần Giờ cũng đã có 8 chợ mở cửa gồm: Tam Thôn Hiệp, Đồng Hòa, Long Thạnh, An Thới Đông, Bình Khánh, Cần Giờ, Hòa Hiệp, Lý Nhơn. Huyện Củ Chi mở 7 chợ gồm: Lô 6, Phan Văn Cội, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh, Củ Chi.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay các chợ đầu mối chưa mở lại mà chỉ mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng và nguồn hàng về ngày càng tăng. Trước 1/10, khoảng 800-900 tấn nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện đã có 157/159 chợ mở cửa trở lại và đang dần đi vào trạng thái bình thường mới. 02 chợ chưa được mở cửa chở lại là do chưa đảm bảo phương án phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, hàng hóa tại các chợ tương đối nhiều và đa dạng, nguồn cung đảm bảo phục vụ nhu cầu cho người dân, giá ổn định. Việc thu mua, vận chuyển nông sản từng bước ổn định trở lại do các vựa trái cây, nông sản trở lại hoạt động.
Tại TP. Đà Nẵng hiện có 57/74 chợ truyền thống hoạt động với 2.803 tiểu thương, 6 điểm bán hàng đang hoạt động của Liên hiệp HTX Việt Farm. Sau buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Sở Công Thương đã có báo cáo UBND thành phố về đánh giá hoạt động của chợ đầu mối Hòa Cường bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 sau thời gian mở lại.
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội các tỉnh thành phố, cũng đang dần quay trở lại nhịp sống. Việc duy trì sản xuất, kinh doanh đang được đề cao, bên cạnh đó người dân luôn phải thực hiện đúng nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch.