Hải Dương tổ chức khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 Tạo sân chơi cho chị em phụ nữ nhân Ngày 20/10 Thanh Hoá: Kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc |
Được hình thành từ hơn 800 năm trước, Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Chanh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang - Vĩnh Bảo - Thái Bình.
Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước, bảo vệ vùng đất Ninh Giang, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân. Quan Lớn Tuần Tranh sống trong lòng mỗi người con Ninh Giang như một vị Thần. Để tưởng nhớ công đức to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh, chính quyền địa phương và những người con Ninh Giang đã xây dựng ngôi đền thờ ông.
Cổng chính vào Đền Tranh. |
Trong dân gian đã truyền nhau rất nhiều những câu chuyện thần kỳ về vị Quan Lớn Tuần Tranh. Ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần, không những thế Ông còn là người có công lao trong việc khai phá, canh giữ vùng đất sông Tranh nên được vua phong hầu.
Theo truyền thuyết, Quan lớn Tuần Tranh vốn là hoàng tử thứ 5 của vua Thủy Tề. Ông phải lòng một cô gái xinh đẹp là vợ lẽ của quan Phủ nhưng cô giấu ông thân phận của mình. Vì tội này vua phạt đầy ải ông lên biên giới phía Bắc. Để chứng tỏ mình vô tội, ông đã gieo mình xuống sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn, rồi xác ông trôi về bến đò Tranh, nơi ông dựng nghiệp năm xưa.
Ban thờ Quan lớn Tuần Tranh tại Đền |
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, Đền Tranh được tôn tạo trở thành một công trình kiến trúc tâm linh lớn và cũng là một trong những ngôi đền thiêng biểu tượng của vùng Đồng Bằng Bắc bộ.
Đền Tranh đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009. Lễ hội truyền thống đền Tranh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022 và mới đây di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Tranh được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Tại Đền Tranh còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử có giá trị như cuốn thư, linh vật, hoa văn thời Trần, đại tự, câu đối, bi ký... Nơi đây chứa đựng giá trị nghệ thuật kiến trúc với 34 gian, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, các gian nhà nối, hậu cung.
Một số hiện vật quý tại Đền Tranh. |
Hàng năm, Đền Tranh có hai kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch, chính hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 Âm lịch, chính hội là ngày 22 tháng 8. Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 Âm lịch còn có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan”. Tiệc này trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc.
So với trước kia, ngày nay Lễ hội truyền thống của đền Tranh đã đơn giản đi rất nhiều, nhưng những nét cơ bản vẫn được bảo tồn, phát huy. Từ sự ly kỳ của sự tích Quan lớn Tuần Tranh nên vào mỗi kỳ lễ hội, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống đền Tranh đều mời đại diện chính quyền, Ban Quản lý di tích đền Lạc Dục và nhân dân xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (nơi có di tích đền Lạc Dục thờ thân phụ và thân mẫu Quan lớn Tuần Tranh) và đại diện chính quyền, Ban Quản lý di tích đền Kỳ Cùng, nhân dân phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn (nơi thờ Quan Lớn khi ngài lên trấn ải chốn Kỳ Cùng) về tham dự lễ hội.
Ngoài ra, nhắc Đến Quan lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Diễn xướng Hầu thánh với 36 giá Hầu. Các sự lệ và lễ hội trong năm tại Đền Tranh thể hiện ước vọng, năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng nhân dân tại địa phương.
Cảnh tế lễ tại Đền Tranh |
Trong phần lễ hội, đặc sắc nhất phải kể tới là lễ rước nước. Đội hình rước chuẩn bị theo vị trí đã sắp xếp từ trước. Những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp... Ông thủ hiệu gióng một hồi trống để báo hiệu cho đội hình rước sẵn sàng. Đúng 9 giờ, đoàn rước khởi hành từ sân đền Tranh. Thứ tự đội hình rước như sau: Đi đầu là đội múa tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng) - đội cờ thần - đội chiêng, trống - đội hình chấp kích, bát bửu - kiệu bát cống rước bài vị Quan Lớn Tuần Tranh - kiệu long đình (rước chóe nước) - đội tế nam - đoàn đại biểu các cấp - lực lượng tham gia các trò chơi dân gian - cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Đường đi của đoàn rước là từ sân đền Tranh qua Nghi môn, rẽ phải qua các tuyến phố của thị trấn Ninh Giang đến ngã ba sông Luộc sau đó trở về đền. Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.
Hình ảnh lấy nước và rước nước về Đền Tranh. |
Không những thế ngoài hoạt động dâng hương, lễ hội còn có hoạt động hát văn và hầu Thánh được tổ chức linh đình. Lượng du khách đến với đền Tranh trong lễ hội lên đến hàng vạn người.