![]() |
Ông Lê Trọng Lệ thành công với mô hình nuôi dúi má hồng Thái Lan. |
Từng trải qua nhiều công việc khác nhau với chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, nên tới khi về nghỉ ngơi ông Lê Trọng Lệ (xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mới tính đến việc nuôi dúi đặc sản.
Đó là năm 2007, ông Lệ quyết định nghỉ nghề xây dựng du có thu nhập cao nhưng cứ nay đây mai đó và về quê. Vốn yêu thích việc chăn nuôi nên ông Lệ nảy ra ý tưởng sẽ làm kinh tế trang trại. Sau thời gian nghiên cứu, ông quyết định chọn con dúi để đầu tư.
"Tôi đi khắp nơi để tìm con vật gì nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Lúc bấy giờ con dúi là sản phẩm rất đắt đỏ lại phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở quê nên tôi quyết định nuôi con vật này. Khi đó nghe nói giống dúi ở Lào nuôi nhiều nên tôi đi sang đó để tìm hiểu và mua 100 con dúi giống về thử nghiệm", ông Lệ chia sẻ.
![]() |
Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi dúi nên lão nông Lê Trọng Lệ đã tạo dựng trại dúi quy mô lớn nhất xã. |
Năm 2008, ông Lệ quyết định thuê đất, mở trang trại, nhập về 30 con dúi giống mua từ bên Lào về xây dựng mô hình nuôi dúi thương phẩm đầu tiên tại Thanh Hóa.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nhiều nên dúi bị chết nhiều, lúc đó ở Việt Nam mô hình nuôi dúi cũng còn rất mới, số lượng người nuôi không nhiều nên cũng rất khó để học hỏi được kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, gạt đi nững khó khăn mình đã tự nghiên cứu học cách điều trị bệnh cũng như tìm hiểu tập tục sinh sống của dúi để điều chỉnh chuồng trại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Thanh Hóa, ông Lệ cho hay.
"Do chuồng trại không đảm bảo các yếu tố nhiệt độ, số dúi nuôi đang khỏe mạnh lăn đùng ra chết chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là vụ thất bại lớn đối với tôi", ông Lệ nói.
![]() |
Dúi ăn tre, mía, ngô và được lắp điều hòa, mùa đông được nằm lò sưởi. |
Sau thất bại từ những đàn dúi ban đầu, ông Lê Trọng Lệ quyết tâm nâng số lượng đàn nuôi và sau những năm thất bài thì thành công đã đến với gia đình ông. Dúi sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng ngày được nhân lên. Hiện ông đang có 4 cơ sở nuôi dúi ở các tỉnh Thanh Hóa, TPHCM, Đắk Lắk, Thái Nguyên.
Trong số 4 trại nuôi dúi, ông Lệ giao cho 3 người con trai quản lý 3 trại, còn vợ chồng ông sở hữu một trang trại rộng gần 500m2 ở quê nhà Thanh Hóa. Hiện, quy mô trang trại này khoảng 2.000 con cả dúi giống và dúi thịt, đem về thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
"Trang trại của gia đình tôi phân phối đi khắp cả nước. Hiện tôi đang cung cấp dúi giống và dúi thịt, giá bán dúi thịt dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, còn giá dúi giống bán theo độ tuổi, thông thường dúi 3 tháng tuổi sẽ xuất bán (dúi 3 tháng có giá 3 triệu đồng/cặp, 6 tháng có giá 6 triệu đồng/cặp…). Mỗi năm trừ hết chi phí, vợ chồng tôi kiếm về hơn 1 tỷ đồng", ông chủ trang trại chia sẻ.
![]() |
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi, ông Lệ cho biết dúi là con vật "khó tính", yếu tố quan trọng nhất để dúi sinh trưởng tốt là chuồng trại và nhiệt độ.
"Chuồng nuôi dúi không quá tốn kém nhưng phải đảm bảo các yếu tố thông thoáng, mỗi chuồng được xây bằng gạch men. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nhiệt độ trong chuồng, thông thường dúi sống ở nhiệt độ 27-30 độ C. Để điều hòa nhiệt độ, mùa hè tôi lắp quạt gió, mùa đông tôi lắp hệ thống đèn sưởi", ông Lệ cho hay.
Ông Lệ chia sẻ: Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi cần thận trọng hơn các loại động vật khác. Bắt buộc phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được. Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước nên lượng chất thải thấp, do đó dễ chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của nó là cây tre, dòng họ cây tre, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi để cấp nước. Hiện tại, mô hình này của ông thu hút 03 lao động thường xuyên ở địa phương làm việc tại trang trại.
Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi dúi nên lão nông Lê Trọng Lệ đã tạo dựng trại dúi quy mô lớn nhất xã. Dù tuổi cao nhưng ông là tấm gương làm giàu tại địa phương. Dúi là động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao nhưng vẫn còn mới mẻ. Từ thành công của ông Lệ đã khích lệ bà con ở địa phương tới học hỏi và nhân rộng mô hình nuôi dúi để nâng cao thu nhập./.