UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản đề nghị được xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang Trung Quốc. |
Đắk Lắk kỳ vọng sẽ được xuất khẩu trực tiếp sầu riêng ngay trong năm nay
Đắk Lắk đang là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai của cả nước, việc xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng là cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk - Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vừa qua tỉnh Đắk Lắk đề nghị được thực hiện kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan tại địa phương nhằm xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đây là nội dung được ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng chia sẻ tại Hội nghị gặp mặt kết nối tiêu thụ sản phẩm sầu riêng năm 2023, được tổ chức vào sáng 14/7 tại TP. Buôn Ma Thuột.
Để cụ thể hóa vấn đề này, ngày 17/7, ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - cho biết UBND tỉnh đã gửi văn bản đề nghị được xuất khẩu sầu riêng trực tiếp sang Trung Quốc.
Theo ông Côn, quy định hiện nay mặt hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch khi đến cửa khẩu sẽ phải dừng lại thực hiện kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan thì mới được đưa vào thị trường Trung Quốc.
Việc này có thể gây ra việc chậm trễ dẫn đến chất lượng sầu riêng sẽ bị giảm sút. Vì vậy, hiệp hội, sở đã đề nghị và UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho địa phương thực hiện các thủ tục này ngay tại cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp phép.
"Theo đề xuất, tỉnh sẽ thành lập trạm kiểm dịch thực vật tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc. Hiện bộ chưa có văn bản trả lời, nhưng địa phương rất hy vọng sẽ triển khai được việc này ngay trong vụ sầu riêng 2023", ông Côn nói.
Đắk Lắk là một trong những tỉnh đầu tiên đề xuất được tự kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan tại địa phương để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng năm 2022 của tỉnh là gần 22.500ha, sản lượng đạt 188.000 tấn. Toàn tỉnh đã được cấp 49 mã vùng trồng với diện tích gần 2.000ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn. Toàn tỉnh đã được phê duyệt 49 mã vùng trồng, với diện tích 1.819 ha; có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, diện tích sầu riêng ổn định trên 22.000ha, sản lượng trên 225.000 tấn. Địa phương tiếp tục mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.
Để chuẩn bị mùa thu hoạch sầu riêng sắp tới, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho ra mắt website hiephoisauriengdaklak.org.vn nhằm kết nối, trao đổi thông tin chính thống.
Chủ động nâng chất từ vùng trồng sầu riêng
Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người nông dân. Vì vậy, diện tích, sản lượng sầu riêng ngày càng tăng, không chỉ phát triển trồng thuần mà còn được trồng xen trong vườn cà phê và bước đầu cũng đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu cho xuất khẩu.
Một số huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn như: Krông Pắc, Krông Năng, Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ... Nông dân Đắk Lắk cũng có trình độ kỹ thuật khá tốt trong chăm sóc sầu riêng. Tuy nhiên, để hạn chế những bất cập trong bối cảnh phát triển nhanh, cần tổ chức, liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị để hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững.
Thời điểm này, Đắk Lắk đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng "hệ sinh thái sầu riêng" với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân và HTX để giúp quá trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… được thực hiện một cách chuyên nghiệp và minh bạch. Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nông dân áp dụng những giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng. Đồng thời, xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
Đắk Lắk hiện đang có diện tích lớn nhất tại Tây Nguyên và đứng thứ 2 cả nước. |
Ông Nguyễn Thế Anh, hội viên Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho rằng, đã đến lúc chúng ta nhìn thị trường để sản xuất chứ không còn là sản xuất rồi mới nhìn thị trường. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người nông dân, bởi họ là một trong những "nhân vật chính" trong câu chuyện này. Do đó, sắp tới Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác truyền thông để nông dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc thiết lập mã số vùng trồng trong lộ trình xuất khẩu sản phẩm sầu riêng.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá sầu riêng Đắk Lắk - Việt Nam còn thấp so với thị trường thế giới nhưng việc phát triển đang dần được chuẩn hóa và có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, trước yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu mặt hàng sầu riêng, việc liên kết nông dân trồng sầu riêng để ngành hàng này phát triển bền vững là vấn đề mà các ngành chức năng tỉnh thực hiện càng sớm càng tốt.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Để đưa ngành hàng sầu riêng thâm nhập vào thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ, bền chặt và tạo ra lợi nhuận cao hơn thì cần có sự đồng tâm hợp tác, liên kết giữa chính quyền địa phương, người nông dân, doanh nghiệp để xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững, từ đó tạo nên thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng Việt Nam, rộng đường vươn tầm thế giới.
Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương đầu tiên có đề xuất tự kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang trung Quốc. Là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, nều đề xuất của Đắk Lắk được chấp thuận sẽ giúp trái sầu riêng thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường, chất lượng cũng được bảo đảm khi thời gian thông quan rút ngắn. Tuy nhiên, để làm được điều này, tỉnh cần chủ động nâng cao chất lượng trái sầu riêng từ vùng trồng đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu để gia tăng giá trị cho loại trái cây vua này./.