Đông trùng hạ thảo "made in Đắk Nông" lấy chất lượng làm mục tiêu phát triển Bún gấc- món ngon bổ dưỡng, sản phẩm OCOP 3 sao của Đắk Nông Mắc ca sachi Thịnh Phát - dinh dưỡng từ thiên nhiên |
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Đắk Mil là huyện biên giới, phía Bắc của tỉnh Đắk Nông, có diện tích tự nhiên là 67.901,69 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 44.152,87ha, chiếm 68,87%. Huyện có điều kiện giao thông thuận tiện, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Phần lớn diện tích đất của huyện là đất đỏ bazan thuận lợi cho một số loại cây công nghiệp sinh trưởng và phát triển như: cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả.
Cà phê Đắk Đam- sản phẩm OCOP hạng 4 sao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Từ những điều kiện hiện có, Đắk Mil đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đắk Mil.
Trọng tâm Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương, theo chuỗi giá trị. Chương trình do các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất và các hợp tác xã thực hiện. Mục tiêu của chương trình hướng tới việc phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi. Đây chính là các tiêu chí để tạo ưu thế nổi bật của sản phẩm OCOP, chinh phục khách hàng trong và ngoài huyện.
Dưa lưới ông Tám, một sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao của Đắk Nông. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, Đắk Mil có 11 sản phẩm (của 10 chủ thể) được chứng nhận OCOP. Trong đó 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao, các sản phẩm còn lại xếp hạng 3 sao. Đây cũng là huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất của Đắk Nông. Các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và đa dạng chủng loại.
Những sản phẩm có chứng nhận OCOP gồm: Cà phê bột Đắk Đam (Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An), Bưởi da xanh ruột hồng (Trang trại bưởi da xanh Hải Nguyên). Cà phê hạt, Cà phê bột (Công ty TNHH Hoàng Phát), Bơ sáp (Hộ gia đình Hồ Văn Hoan), Tiêu đỏ Kiền Kiền (Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Nguyễn Công), Mật Ong Đắk Mil (Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Gia), Ca Cao bột Hương quê Đắk Nông (Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Hương Quê Đắk Nông), Xoài Đắk Gằn (Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ xoài Đắk Gằn), Dưa lưới ông Tám (Trang trại Ông Tám), Sầu riêng tươi Đức Mạnh (Tổ hợp tác Sầu riêng VietGAP xã Đức Mạnh).
Bơ sáp Đắk Mil cũng là một sản phẩm OCOP của Đắk Mil được ưa chuộng trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Mil, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh đổi mới, sáng tạo. Các chủ thể cũng từng bước nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo các quy định, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chương trình đã khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương; xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Chất lượng vượt trội, đa dạng chủng loại
Đáng chú ý, Cà phê bột Đắk Đam của Đắk Mil đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Cà phê bột Đắk Đam có quy mô diện tích đăng ký là 98ha, sản lượng đăng ký hàng năm khoảng 300 tấn, sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade. Chủ thể sản phẩm đã đầu tư xây dựng nhà máy để chế biến sản phẩm cà phê, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ cà phê bền vững cho bà con nông dân.
Xoài Đắk Gằn luôn có đầu ra ổn định. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Sản phẩm OCOP là trái cây tươi của Đắk Mil khá đa dạng. Trong đó có thể kể đến thương hiệu nông sản nổi tiếng của huyện là xoài Đắk Gằn. Trong những năm qua, xoài là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân xã Đắk Gằn.
Hiện vùng trồng xoài Đắk Gằn có quy mô hơn 300ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận OCOP 3 sao và có mã QR code truy xuất nguồn gốc... Phần lớn bà con đều sử dụng các giống xoài cao cấp, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ xoài Đắk Gằn đã xây dựng chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Trừ những thời điểm dịch bệnh phức tạp, đầu ra của xoài Đắk Gằn hầu hết đều ổn định, giá cả bảo đảm mức cao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết thêm, các sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP đã giúp các chủ thể mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển. Các sản phẩm OCOP của huyện đều tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Kế hoạch năm 2023, huyện đề ra mục tiêu phát triển khoảng 3 sản phẩm OCOP. Hiện tại, huyện đang hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham dự đợt đánh giá, phân hạng dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm OCOP khác và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.