Bỏ phố lên rừng lập trang trại măng cụt đầu tiên ở Đắk Nông
Bỏ phố lên rừng, là câu chuyện của ông Trần Quang Đông- Chủ trang trại Gia Ân, có diện tích hơn 20ha tại Bon Sê rê Ú, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Là một người nông dân chân chất, luôn mong muốn gắn bó với nghề nông, khao khát làm giàu từ đôi tay, mảnh đất của mình, sau nhiều năm nghiên cứu các vùng đất, năm 1997 ông Đông từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Đắk Nông lập nghiệp.
Ông Trần Quang Đông (bìa trái) tại trang trại măng cụt của mình. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Lúc này, vùng đất đỏ bazan chủ yếu trồng cây cà phê, ông Đông cũng trồng cà phê như bao người nông dân khác. Sau 3 năm, khi bắt đầu cho thu hoạch thì cà phê rớt giá. Đứng trước khó khăn đó, ông đã tìm hiểu chuyển đổi giống cây trồng. Năm 2000, ông Đông đã quyết định phá bỏ 8 ha cà phê vừa bắt đầu cho trái để trồng măng cụt.
Cây măng cụt là loại cây nhiệt đới thuộc họ Bứa, có tuổi đời khá cao, tuổi thọ của cây lên đến cả trăm năm, nhưng đầu tư ban đầu cũng khá dài hơi phải 6- 7 năm sau mới cho thu hoạch. |
Vườn măng cụt xanh mướt của ông Đông. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Lần đầu trồng măng cụt vùng đất mới nên ông Đông đã phải trồng xen các giống cây ngắn ngày như cam, quýt để lấy ngắn nuôi dài. Vừa để thử nghiệm hiệu quả các loại cây trồng vừa để có khoản thu nhập xoay vòng khi kinh tế gia đình còn khó khăn.
Ông Đông chia sẻ: “Giống như bao nông sản khác cảnh được mùa mất giá liên tục diễn ra, nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được, tôi suy nghĩ tìm cách để thay đổi, không thể chịu trận như thế”.
Măng cụt Gia Ân không ngừng nâng cao chất lượng
Nắm bắt xu thế của thị trường cần sản phẩm sạch, năm 2013, ông Đông đã chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng kí sở hữa trí tuệ về nhãn hiệu độc quyền “Gia Ân” cấp quốc gia. Khi đầu ra cho quả măng cụt đã có chỗ đứng trên thị trường, Măng cụt Gia Ân được thương lái liên kết công ty đối tác muốn xuất khẩu sản phẩm đi Hà Lan.
Măng cụt Gia Ân được đóng gói xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Năm 2016, Ông Đông tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn là tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP và duy trì cho tới nay. Với những quả măng cụt ngọt dịu, thanh mát được chăm sóc, tuyển chọn kỹ càng trang trại Gia Ân đã tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhãn hiệu “măng cụt Gia Ân” được thị trường chấp nhận.
Quả măng cụt tươi Gia Ân không chỉ là món ăn chơi vui miệng nhiều dưỡng chất, mà nhờ có thành phần chống oxy hóa nên măng cụt có nhiều lợi ích cho sức khỏe như bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, chống viêm hay giảm cân... Cũng từ đó, quả măng cụt của trang trại Gia Ân theo những thương lái đến với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước và đất nước Hà Lan.
Khi đưa ra thị trường, trang trại Gia Ân luôn chọn những quả măng cụt tốt nhất. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Lợi thế của măng cụt Gia Ân là khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất địa phương không chỉ phù hợp để cây phát triển mà còn làm cho cây trái trổ bông muộn, thu hoạch muộn hơn các nơi khác. Trong khi măng cụt các vùng khác bắt đầu thu hoạch từ tháng 3-4, thì măng cụt Gia Ân vào vụ thu khoảng tháng 8- 9. Thời gian này, măng cụt trên thị trường không còn nhiều nên không bị cạnh trạnh, giá cả luôn ổn định.
Năm 2020, măng cụt của trang trại Gia Ân tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, và đạt chứng nhận sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, đáp ứng các quy chuẩn và có chất lượng cao nên măng cụt Gia Ân có giá bán cao gần gấp đôi giá thị trường, dao động 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Giá cao, nhưng trang trại vẫn thường xuyên không đáp ứng kịp số lượng sản phẩm cho các đơn đặt hàng. Hàng năm, trang trại thu khoảng 70-80 tấn quả tươi, đem lại doanh thu trên 5 tỷ đồng. Ngoài măng cụt, trang trại Gia Ân còn cung cấp các sản phẩm sạch khác như bơ, sầu riêng, mít...
Trang trại Gia Ân được đánh giá là một trong những điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, góp phần hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của địa phương, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ.