Đến với Tuyên Quang, du khách không chỉ được tham quan những địa điểm nổi tiếng nơi đây như Thác Mơ, Động Tiên,… mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc tại nơi đây. Những món ăn đặc sắc ấy có thể kể đến như cơm lam, xôi ngũ sắc,… và không thể không kể đến món bánh coóc mò.
Theo đó, coóc mò là tên một loại bánh truyền thống nổi tiếng của dân tộc Tày. Và trong tiếng Tày, coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò.
Một người dân tộc Tày ở Tuyên Quang cho biết: “Theo truyền thống, trong thôi nôi của trẻ em, bất kể mùa nào người Tày cũng làm loại bánh này. Những chiếc bánh nhỏ nhắn được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe và ngoan ngoãn.
Ngày nay, bánh được bà con người Tày, Nùng làm quanh năm và bày bán tại các chợ phiên. Ở một số nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại làm bánh để mừng mùa lúa mới, đồng thời làm quà khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan, vâng lời cha mẹ”.
Coóc mò được làm từ gạo nếp, đỗ đen trộn lẫn vào với nhau, được gói bên trong lá chuối hoặc lá chít rồi được buộc bên ngoài bằng lạt làm từ tre giang. Ngoài đỗ đen, người dân nhiều vùng khác dùng lạc hoặc đỗ xanh, đều làm cho bánh ngon hơn.
Gạo để làm bánh phải là gạo nếp nương thơm, hạt trắng đục và tròn mẩy, khi chín có độ dẻo nhất định không quá nhão cũng không được khô. Gạo nếp sau khi lựa kỹ lưỡng được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm gạo nhiều giờ cho gạo mềm.
Gạo đạt chuẩn là khi bóp nhẹ hạt gạo sẽ vỡ vụn ra. Khi đó, người làm bánh sẽ vớt gạo để ráo nước, sau đó đem trộn lẫn với đỗ xanh (hoặc lạc đỏ) đã giã nhỏ và thêm chút muối cho vừa ăn là đã có thể đem đi gói bánh.
Lá gói bánh thường là lá dong hoặc lá chuối. Muốn bánh đẹp thì người làm phải cẩn thận chọn những chiếc lá xanh mướt, không bị sâu hay úa, đem về rửa sạch rồi phơi cho ráo.
Đến những chiếc lạt buộc cũng thể hiện sự tỉ mỉ của người làm bánh, cái nào cái nấy đều tăm tắp, mềm, dẻo và dai để gói bánh vừa đủ chặt mà lá không bị rách. Thường thì người Tày sẽ chọn thân cây giang hoặc thân cây mỡ để chẻ lạt.
Muốn làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon ngoài khâu chọn nguyên liệu còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ trong việc gói bánh. Công đoạn gói bánh không chỉ quyết định đến thẩm mĩ của bánh, mà cách gói cũng ảnh hưởng đến “cái ngon” của thức bánh này.
Bắt đầu công đoạn gói, người Tày sẽ cuốn lá dong (lá chuối) thành hình cái phễu rồi đổ gạo và đỗ đã trộn lẫn vào trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc dùng chiếc đũa nhỏ xọc cho gạo nén chặt, sau đó mới gấp mép lá và dùng lạt buộc lại.
Những đôi bàn tay khéo léo gấp lá, luồn lạt như những nghệ nhân đang hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật của mình vậy. Phải khi chứng kiến tận mắt, người ta mới thấy khâm phục sự sáng tạo của con người và càng thêm thích thú theo động tác tay của họ.
Theo kinh nghiệm làm bánh cooc mò của người dân nơi đây, khi buộc bánh không nên buộc chặt quá sẽ làm lá bánh rách, hạt gạo không nở được, dễ bị sượng, không dẻo. Còn nếu buộc lỏng, bánh bị hút nước nhiều dễ bị nhão, không ngon. Bánh sau khi gói được ngâm vào nước lạnh cho đến khi mặt nước không sủi tăm lên, lúc đó bánh đã ngấm đủ nước, như vậy luộc sẽ nhanh chín và mềm, dẻo hơn.
Bánh sau khi gói xong sẽ được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng hai giờ là bánh chín. Bánh cooc mò khi chín sẽ có màu xanh nhạt của lá dong (lá chuối) tựa như bánh chưng. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được sự mềm, dẻo, ngậy, bùi hòa quyện rất cuốn miệng. Bánh sẽ ngọt trong miệng cho đến tận khi ăn xong, vị ngọt thanh sẽ không bị ngán, lại hợp khẩu vị với rất nhiều người.
Tuy bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Bánh coóc mò ăn ngon nhất là được chấm với lạc, muối, vừng giã nhỏ. Cắn miếng bánh coóc mò, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dẻo thơm từ những hạt gạo nếp tròn trịa, thơm bùi từ đỗ đen, đỗ xanh, béo ngậy của nhân lạc và thơm dịu mùi hương lá chít, lá chuối.
Không chỉ nổi tiếng ở Tuyên Quang mà tại các địa phương khác như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh,... thì thức bánh này rất “được lòng” mọi thực khách. Dù mỗi vùng miền sẽ có những thay đổi về khẩu vị, nhưng chiếc bánh cooc mò đều là đại diện cho tinh hoa ẩm thực của người Tày, người Nùng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thưởng thức miếng bánh, tất cả hương đồng gió nội như quyện vào nhau tạo nên hương vị mộc mạc, gần gũi mang dấu ấn rất riêng của dân tộc miền núi. Từng ký ức tuổi thơ ngày nào lại ùa về trong lòng mỗi người con, nhất là với những người con xa xứ. Nghĩ đến thôi, ta lại thấy “thèm” được thưởng thức món bánh tuyệt vời này.