Người trồng chanh dây ở Gia Lai đang có thu nhập cao bởi được mùa, được giá. |
Chanh dây giá tăng vọt thu 400 triệu/ha
Những năm gần đây, chanh dây luôn nằm trong top những loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh dây nước ta đã tăng hơn 300%.
Hiện chanh dây Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ và mới đây là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hồi tháng 7/2022.
Trên thị trường thế giới, chanh dây là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh dây tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh dây cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm.
Việt Nam có lợi thế gia tăng thị phần khi chanh dây đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam lại có bộ chanh dây tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh dây có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Không chỉ xuất khẩu quả tươi, chanh dây cũng là một trong những trái cây hiện đang có tỷ lệ chế biến cao. Điển hình như trong năm 2022, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu thì tỷ trọng của sản phẩm chế biến biến chiếm gần 30%, đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh dây dẫn đầu về trị giá.
Người nông dân trồng chanh dây có thể đạt thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm. |
Tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh dây lớn nhất cả nước. Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 4.500 ha trồng chanh dây. Quy hoạch đến năm 2025 diện tích tăng lên khoảng 25.000 ha.
Người nông dân trồng chanh dây có thể đạt thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần trồng cà phê. Do đó, nhiều nông dân ở các huyện như Đăk Đoa, Mang Yang, Ia Grai, Chư Sê… đã không ngại chặt bỏ vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp của gia đình.
Trồng hơn 200 gốc chanh dây, mỗi ngày ra vườn ông Nguyễn Tấn Lục - thôn 4, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, Gia Lai thu hoạch được khoảng 1,2 tạ trái. Với mức giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, ông thu về hơn 1,5 triệu đồng mỗi ngày.
"Giá như thế này người trồng chanh dây ở Chư Sê rất phấn khởi…" ông Lục chia sẻ.
Dây chuyền sản xuất chế biến chanh dây của Nhà máy chế biến rau quả (DOVECO Gia Lai). |
Việc mở rộng diện tích chanh dây là phù hợp
Trước tình trạng người dân địa phương đã mở rộng diện tích chanh dây, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, việc mở rộng diện tích chanh dây là điều phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, việc mở rộng phát triển chanh dây thời gian vừa qua là điều hết sức bình thường, vì hiện dư địa cần sản phẩm chanh dây của các nhà máy trên địa bàn còn rất lớn.
Tuy nhiên, cần khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi một cách ồ ạt, bất chấp, mà chú trọng chuyển đổi các diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, được trồng và thu hoạch trên 15-20 năm.
Đặc biệt, trước khi chuyển đổi cần phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ký kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, việc đảm bảo thu mua chanh dây nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân.
Nhiều cây trồng khác đã bị thay thế bằng những vườn chanh dây mới trồng. |
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, tại Gia Lai đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây quy mô lớn đặt tại khu công nghiệp Trà Đa, huyện Mang Yang, chuyên xuất khẩu sản phẩm đi thị trường Châu Âu, Trung Quốc và 80 quốc gia khác.
Do nhu cầu cao nên các nhà máy hiện vẫn phải nhập chanh dây từ các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Kon Tum… phục vụ cho năng lực chế biến.
Các nhà máy quy mô lớn hiện có năng lực chế biến với công suất trên 200.000 tấn/năm. Trong khi diện tích chanh dây của nông dân ở Gia Lai mới cung cấp khoảng 50.000 tấn/năm.
Cây chanh dây đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Gia Lai. Việc chuyển đổi sang trồng chanh dây phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ giúp nông dân Gia Lai cơ hội phát triển, nâng cao nguồn thu nhập, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về quỹ đất nông nghiệp rộng lớn./.