Giá chanh dây chênh lệch lớn giữa giá vườn và giá nhà máy do có nhiều khâu trung gian. |
Vỡ mộng chanh dây
Thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023 làn sóng trồng chanh dây ồ ạt tại các tỉnh Tây Nguyên. Thông tin chanh dây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc khiến giá tăng cao giúp nhà vườn thu lợi nhuận tiền tỷ từ vườn chanh dây. Tại Gia Lai, từ đầu năm 2023, nhiều nông dân ồ ạt chặt phá diện tích cà phê kém chất lượng, già cỗi, chuyển sang trồng chanh dây.
Anh Lê Văn Lương (34 tuổi, ở thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã có hơn 2 năm trồng cây chanh dây. Sau vụ đầu tiên thành công, anh Lương quyết định bỏ ra số vốn 200 triệu đồng để trồng thêm 1,4ha chanh dây. Tổng số diện tích anh Lương đang sở hữu là gần 2ha. Tuy nhiên, mùa thứ hai bắt đầu vào vụ thu hoạch thì giá chanh giảm thê thảm.
Anh Lương cho hay: "Năm đầu tiên thử canh tác loại cây trồng mới, tôi bỏ hơn 100 triệu đồng cho 0,6ha diện tích chanh dây. Trong năm 2022, giá chanh lên cao nên gia đình thu lãi được hơn 70 triệu đồng".
Nhiều nhà vườn đã quyết định ngừng mở rộng diện tích chanh dây do lo ngại rớt giá. |
Nhận thấy trồng chanh dây có lợi nhuận cao, vụ thứ hai, gia đình đã thuê 1,4ha đất, tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng. Anh Lương phải vay mượn hơn 200 triệu cho việc này nên hiện cả nhà như ngồi trên đống lửa.
Những tháng gần đây, giá chanh liên tiếp giảm sâu khiến cho người trồng không thôi thấp thỏm về đầu ra và nguy cơ hàng rớt giá. Hiện chanh múc (chanh chiết dịch) có giá từ 3.000 -5.000 đồng/kg trong khi ít tháng trước mức giá dao động 15.000-20.000 đồng/kg. Đối với chanh hữu cơ, giá trước đây 45.000 nghìn đồng/kg thì nay chỉ còn 20.000 đồng/kg.
Anh Lê Văn Tuấn (30 tuổi, trú tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã sống với cây chanh dây nhiều năm nay. Năm 2021, gia đình anh trồng 4 sào, đầu năm 2023, mở rộng thêm 8 sào.
Anh Tuấn cho hay: "Lúc đó chanh tăng giá mạnh nên gia đình tôi đã quyết định bỏ ra hơn 120 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng. Nhưng đến giờ thu hoạch vụ đầu tiên thì giá rớt chỉ còn từ 3.000 đến 5.500 đồng/kg. Chúng tôi mong có những doanh nghiệp lớn liên kết, tạo đầu ra bền vững cho bà con".
Anh Nguyễn Xuân Phú (47 tuổi, ở làng Ngai Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) vừa nhổ 600 cây cà phê kém chất lượng để chuyển sang trồng chanh dây.
"Tôi dự tính trồng 600-700 gốc chanh dây. Đầu năm, gia đình đã đầu tư hơn 150 triệu đồng mua trụ, dây và làm đất, chờ mưa xuống để trồng. Tuy nhiên, khi thấy giá chanh giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg, tôi quyết định chỉ xuống giống khoảng 300 gốc", anh Phú cho hay.
Giá chanh dây tại nhà máy cao gấp 3 lần chanh dây tại vườn
Giá chanh dây lao dốc, ngời nguyên nhân do nguồn cung tăng mạnh và thị trường Trung Quốc giảm lượng thu mua còn có nguyên nhân bị ép giá do có quá nhiều khâu trung gian. Thực tế hiện nay, có nhiều nhà máy chế biến chanh dây được đầu tư và nhu cầu chanh tươi rất lớn tuy nhiên do không tiếp cận được trực tiếp các nhà vườn nên phải nhập chanh dây từ trung gian với giá cao gấp 3 lần.
Gia Lai hiện có hơn 5.000ha vùng nguyên liệu chanh dây. Tại địa bàn cũng có khoảng 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số. Với chiến lược tăng diện tích chanh dây lên 20 ngàn ha vào năm 2025, tỉnh Gia Lai đã dựa trên những cơ sở khoa học và tiềm năng sẵn có của tỉnh như đất đai màu mỡ và rộng lớn, khí hậu phù hợp, nông dân đã làm quen với các kỹ thuật canh tác chanh dây. Đặc biệt, năm 2022, Sở đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh dây giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên thời điểm này, hiệu quả của chuỗi liên kết chưa được tối ưu khi người trồng và doanh nghiệp chế biến chanh dân vẫn chưa hợp tác trực tiếp, dẫn tới việc giá cả phụ thuộc vào trung gian.
Để nâng cao hiệu quả cây chanh dây, tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp xây dựng chuỗi liên kết. |
Một lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai) thông tin: "Hiện tại, chúng tôi đang thu mua với giá 8.000-10.000 đồng/kg đối với loại chanh chiết dịch. Do nhu cầu nguyên liệu lớn, nhà máy chỉ làm việc với một số đơn vị thu mua lớn, khó tiếp cận đến từng hộ nông dân nhỏ lẻ".
Theo lãnh đạo doanh nghiệp chế biến này, nguyên nhân giá chanh dây xuống thấp là do thời gian qua chanh vào vụ, số lượng thu hái lớn. Loại nông sản này cũng phải qua nhiều khâu trung gian nên bị ép giá…
Hiện nay, doanh nghiệp đang bung ra loại giống định hướng, liên kết với hộ dân ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh để trồng, đảm bảo bao tiêu để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm quyền lợi cho nông dân.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ia Grai thông tin: "Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 600ha trồng chanh dây, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ tăng lên gần 900ha. Từ đầu năm, huyện đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để hướng dẫn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây chanh dây. Đồng thời, tổ chức liên kết với nhiều doanh nghiệp nhằm hỗ trợ giống, bao tiêu đầu ra cho người dân".
Ông Thắm xác nhận, hiện giá chanh xuống thấp nhưng người trồng vẫn chưa lỗ mà chỉ là lãi ít hơn. Huyện đã tuyên truyền để người dân có tính toán theo hướng phát triển cây trồng bền vững. Với các hộ đã làm giàn, làm đất, cơ quan khuyến nông hướng dẫn tiếp tục trồng và chăm sóc theo mô hình chanh hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp chế biến để có đầu ra ổn định.
Tiềm năng và giá trị của cây chanh dây đã được khẳng định. Tỉnh Gia Lai cũng có chiến lược bài bản để khai thác hiệu quả của cây chanh dân. Từ vẫn đề quy hoạch, liên kết từ trồng tới chế biến. Bởi vậy, giá chanh dây thời điểm vừa qua lao dốc chỉ là nhất thời do thu hoạch ồ ạt và còn những bất cập trong kết nối chanh dây từ vườn tới nhà máy. Nếu như giảm bớt khâu trung gian, người trồng chanh dây bán được với giá trên dưới 10.000 đồng/kg thì vẫn thu lợi nhuận rất lớn, không đến nỗi vỡ mộng như hiện nay./.