Tỉnh Gia Lai được ví như "thủ phủ" chanh dây. (Ảnh minh họa). |
Giá chanh dây giảm sốc thu không đủ tiền phân bón
Huyện Krông Búk là một trong những địa phương có diện tích chanh dây lớn tại Gia Lai, với hơn 160 ha, sản lượng ước đạt khoảng 2.000 tấn. Những năm qua, chanh dây được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân địa phương. Thế nhưng, hiện giá chanh dây đang rớt xuống chỉ còn từ 3.500 - 7.000 đồng/kg khiến nông dân không khỏi lo lắng.
Gia đình chị Hồ Thị Lan Anh (xã Cư Né, huyện Krông Búk) có 2 sào chanh dây trồng xen canh trong vườn cà phê. Đang đợt rộ mùa nên trung bình mỗi tuần gia đình chị hái hai lần (khoảng 4 tạ) nhưng chỉ bán được với giá 3.500 đồng/kg.
Trong khi đó, đang thời điểm mùa khô nên gia đình chị phải tưới nước thường xuyên cho vườn chanh dây. Giá điện sản xuất hiện nay lại tăng lên, ước tính tiêu tốn hơn 1,7 triệu đồng/lần bơm nước tưới.
Chị Lan Anh than thở: “Chưa kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì với giá cả như thế này, chanh dây thu hái không đủ bù vào tiền điện tưới nước. Không hái thì quả rụng đầy gốc, gia đình tôi như đang “ngồi trên đống lửa” vì bỏ ra một khoản lớn chi phí sản xuất mà chưa thu hồi được bao nhiêu”.
Người dân trồng chanh dây lo lắng vì giá "lao dốc" chỉ còn trên 3.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa). |
Không chỉ riêng tại huyện Krông Búk mà nhiều hộ dân trồng chanh dây ở huyện Ea Kar cũng đứng ngồi không yên khi chanh dây đã chín rộ nhưng giá cả lại xuống thấp.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, địa phương hiện có khoảng 210 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Phú, Cư Ni, Cư Elang, Chư Prông. Hiện tại, giá chanh dây mà thương lái thu mua xô cho người dân dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều lần so với năm trước (từ 15.000 - 20.000 đồng/kg).
Gia đình anh Đàm Đức Hiệp (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) có 4 sào chanh dây đang cho thu hoạch đợt đầu tiên, với sản lượng đạt hơn 3 tấn. Anh Hiệp chia sẻ, tháng 11/2022, anh đã chuyển diện tích cà phê già cỗi của gia đình sang trồng chanh dây vì thấy giá bán cao. Vào đầu vụ thu hoạch, thương lái thu mua với giá 12.000 – 13.000 đồng/kg.
Tuy nhiên sau đợt nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, giá chanh dây rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Anh Hiệp ngậm ngùi: “Trung bình một sào chanh dây, chi phí đầu tư giống, phân bón, công tưới tiêu, chăm bón hết khoảng 10 triệu đồng. Nếu tiếp tục bán với giá này thì người trồng chỉ có lỗ”.
Cung đã vượt cầu hay chanh leo vẫn chưa tới được doanh nghiệp?
Theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, hiện nay, diện tích chanh dây tại địa phương đã vượt 2 - 3 lần so với quy hoạch. Mặc dù người dân đã được khuyến cáo thận trọng khi mở rộng diện tích trồng, tuy nhiên, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chanh dây “đội giá” lên tới 20.000 – 30.000 đồng/kg khiến nhiều nông hộ vì lợi nhuận trước mắt đua nhau mở rộng diện tích, thậm chí phá bỏ các loại cây lâu năm để trồng.
Cùng với phát triển nóng diện tích, hiện nay việc sản xuất chanh dây còn thiếu gắn kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ. Do đó, khi trồng mới ồ ạt, không kiểm soát, đến đợt thu đại trà, số lượng cung vượt cầu khiến giá cả “lao dốc”.
Cần liên kết để phát triển cây chanh dây bền vững. (Ảnh minh họa). |
Qua tìm hiểu thực tế, đa số người dân trồng chanh dây theo kiểu tự phát nên thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện nay, nhiều diện tích chanh dây đã bị nhiễm bệnh bã trầu, lở cổ rễ, nấm. Những loại bệnh này lây lan nhanh thông qua các loại côn trùng chích hút và không có thuốc phòng trị mà chỉ có một cách duy nhất là tiêu hủy. Ngoài ra, nhiều người dân tự ý cấy ghép, nhân giống làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho chanh dây. Điều này khiến năng suất và chất lượng chanh dây ngày càng kém, kéo theo giá cả xuống thấp.
Mặc dù có tăng về diện tích nhưng vùng sản xuất chanh dây vẫn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung. Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, chưa hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi bền vững, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Ngoài ra, chanh dây chủ yếu được trồng xen trong các vườn cây nên khó khăn trong đầu tư cũng như việc quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, người dân nên lưu ý các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tự ý trồng, ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Mới chỉ cách đây chưa đầy một tháng, cây chanh dây vẫn tràn trề hy vọng đem về tiền tỷ trên vùng đất Gia Lai. Nhưng nay giá chanh dây đã giảm chỉ còn 1/10, mức giảm khiến cho mọi công sức của người dân đều đổ sông đổ biển. Không thể phủ nhận giá trị của trái chanh dây, khi thị trường xuất khẩu cần, doanh nghiệp chế biến cần. Nhưng việc trồng ồ ạt rồi dồn ứ dẫn tới dội chợ là khó tránh, chưa kể việc trồng chanh dây còn tự phát chưa có sự liên kết với doanh nghiệp nên người trồng lâm vào cảnh bấp bênh./.