Sầu riêng Việt đang đối mặt với nguy cơ mất uy tín khí xuất khẩu trái nong sang Nhật Bản và Trung Quốc. |
Doanh nhập "khóc ròng" vì nhập quả bán múi chỉ thu hồi 20%
Thông tin với báo chí, bà Đinh Anh Minh, Giám đốc Công ty AIKA Group (tại TP.Tsukuba, tỉnh Ibraki, Nhật Bản), cho biết đầu tháng 8 công ty bà mua 2 kiện hàng với 13 quả sầu riêng tươi nhập khẩu từ VN đưa về cửa hàng bán lẻ.
Trong số đó, chỉ có 1 quả sầu riêng chín được, 2 quả bị sượng hoàn toàn, 2 quả bị non không thể chín, số còn lại thì bị nứt vỏ, cơm bị chua, quả thì 4 - 5 múi bóc ra chỉ lấy được 1 - 2 múi. "Nhập quả tươi mà phải bóc bán múi nên chỉ thu hồi được 20% vốn", bà Minh nói.
Có nhiều năm nhập khẩu trái cây VN phân phối ở thị trường Nhật Bản, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Apple LCC (có văn phòng đặt tại Tokyo, Nhật Bản), cũng "dính" 1 lô hàng sầu riêng non khiến doanh nghiệp (DN) này lỗ nặng, mất khách.
Sầu riêng VN xuất khẩu sang Nhật Bản bị cắt non nên cơm bị thối hỏng, sượng khiến doanh nghiệp nhập khẩu lỗ vốn, mất khách. |
Theo bà Oanh, lô hàng 2,1 tấn sầu riêng nhập khẩu VN giá 210.000 đồng/kg. Khi đến Nhật Bản, toàn bộ hàng được phân phối cho cửa hàng bán lẻ đã đặt trước. Sau vài ngày giao hàng, đối tác tới tấp điện thoại phản ánh sầu riêng không chín, quả chín được thì cơm sống sượng, không ngọt, mùi chua… Sau đó, DN phải thu hồi toàn bộ sầu riêng để kiểm tra thì có 70% bị thối hỏng. "Chỉ riêng lô hàng này, chúng tôi bị lỗ 300 triệu đồng. Sau rất nhiều lần thương lượng, đối tác VN chấp nhận chia sẻ 50% tiền lỗ nhưng thiệt hại lớn nhất chính là mất đi niềm tin, uy tín với đối tác, người tiêu dùng ở Nhật Bản", bà Oanh nói.
Bà Oanh chia sẻ dù rất muốn ủng hộ tiêu thụ nông sản cho quê nhà, nhưng nếu so sánh với sầu riêng Thái Lan thì hàng VN chất lượng không ổn định, rủi ro rất lớn. "Giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan và VN nhiều thời điểm ngang nhau, nhưng nếu làm hàng Thái Lan thì yên tâm về chất lượng, mẫu mã. Trước đây, mỗi tuần chúng tôi nhập khẩu 2 tấn sầu riêng từ VN chuyển theo đường hàng không, nhưng sau sự cố vừa qua, chúng tôi không giữ được khách nên phải giảm sản lượng xuống còn 1 tấn. Sắp tới, nếu chọn được loại trái cây ổn định hơn, chúng tôi sẽ bỏ hẳn, không làm sầu riêng tươi nữa", bà Oanh nói.
Tranh mua tranh bán bát nháo làm loạn giá, giảm chất lượng
Một chủ doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) ở Tiền Giang chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cho rằng thị trường sầu riêng đang loạn giá dẫn đến loạn chất lượng. Không chỉ ở Nhật Bản, thị trường Trung Quốc vừa qua có nhiều lô hàng sầu riêng bị thối hỏng, không thể chín khi bị cắt non.
Theo chủ doanh nghiệp trên, sầu riêng không chín được là loại hàng "cắt một dao". Bởi có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tranh thủ bán hàng "chạy" giá theo kiểu cắt một lần là sạch vườn thì tỷ lệ trái non rất lớn. Chưa kể, nếu DN nào không có kinh nghiệm, trời vừa mưa xong cắt sầu riêng ngay thì cơm sẽ bị sượng, không ngọt; phải chờ vài ngày sau cho hơi nước trong múi bay thoát hết, khi đó cắt hàng thì múi sầu riêng mới khô và ngọt hơn.
Chủ doanh nghiệp thông tin thêm, để chất lượng sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề, thị trường tranh mua, tranh bán, bát nháo như hiện nay, lý do một phần nằm ở lòng tham của chủ vườn, thương lái; song phần lớn là trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu. "Nếu như cơ sở đóng gói kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng đưa vào, không chấp nhận những lô hàng kém chất lượng thì làm sao thương lái dám mua hàng non, chủ vườn cho cắt bán trái non", bà T. nói.
Tình trạng thu hoạch cả sầu riêng trái non để xuất khẩu thường xuyên tái diễn. |
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), bày tỏ sau rất nhiều năm chuẩn bị, vất vả đàm phán, sầu riêng VN mới có nghị định thư xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong năm đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, thay vì vui mừng, phấn khởi thì ngành hàng sầu riêng đối mặt nhiều biến động, bất an và lo lắng khi liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng hàng hóa.
Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng VN hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi nhìn sang Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho DN. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.
"Chúng tôi luôn ao ước, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý cây sầu riêng từ mã số vùng trồng, sản lượng, cơ sở đóng gói để minh bạch tất cả thông tin. Cùng với đó là quy định về tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc phải thực hiện, có chế tài nếu vi phạm để các nhà vườn phải tuân thủ. Khi đó, DN không còn phải đi "năn nỉ" nông dân giữ chất lượng nữa; sẽ loại bỏ được tư duy cắt bán hàng non để được giá cao, thương lái gom hàng non cho kịp chợ như hiện nay. Tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung về tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng thương hiệu quốc gia trái sầu riêng VN", bà Vy nói.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết Bộ NN-PTNT cũng nhận được phản ánh từ các DN xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng VN. Giá trị xuất khẩu rất lớn, đầu ra tiêu thụ tương đối ổn định nên vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững và xác định phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng.
"Bộ NN-PTNT đã nhận thức rất rõ những vấn đề của ngành sầu riêng và đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sầu riêng phải đáp ứng yêu cầu về kích cỡ, màu sắc, chất lượng ra sao, chứ không có kiểu "thu hoạch một dao", non hay già đều cắt hết sẽ tổn hại đến uy tín, thương hiệu sầu riêng VN ở các thị trường xuất khẩu", ông Trung nói./.