Ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU Khẩn trương củng cố hồ sơ, truy tố các đối tượng vi phạm IUU Gỡ “thẻ vàng” IUU giúp phát triển ngành thủy sản bền vững |
Chống khai thác IUU, hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia. |
Chiều 11/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi các Nghị định về thi hành Luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.
Tất cả địa phương phải vào cuộc để gỡ “thẻ vàng”
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Cùng với đó, các nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung đã được ban hành; các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các công cụ pháp lý đã rõ ràng, Trung ương đã nỗ lực thì tất cả địa phương cũng phải vào cuộc để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến nhưng để gỡ được “thẻ vàng” thì các địa phương cần nỗ lực hơn nữa. Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào quản lý giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định mới”.
Theo Cục Thủy sản, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP là nhiều thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, đánh giá duy trì, giám sát điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến; thủ tục về đăng ký lồng, bè nuôi trồng thủy sản; công bố đóng, mở cảng cá.
Riêng về quản lý hệ thống giám sát tàu cá, Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá. Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển. Nghị định mới cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.
Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2017/NQ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT- BNNPTNT. |
Nghị định cũng quy định việc kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công ten nơ nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm IUU.
Về điểm mới của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, ông Trần Đình Luân cho biết, tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản (2 năm). Vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản mà chưa được quy định cụ thể trong Nghị định này được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định cũng quy định bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng; quy định rõ thế nào ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thẩm quyền xử phạt của kiểm lâm nhằm đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn… được phát hiện kịp thời và bị xử lý theo quy định.
Thẩm quyền xử phạt mở rộng hơn là: Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện, Công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, kiểm ngư, kiểm lâm, thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại cảng cá Cát Lở, TP. Vũng Tàu. |
Mới đây, trong buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: “Chúng ta hành động không phải vì IUU mà vì nguồn lợi của Việt Nam, cho thế hệ hôm nay và tương lai. Tỉnh cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, gấp rút, khẩn trương, trách nhiệm, sát cơ sở để cho thấy chúng ta hành động vì chúng ta.”
Tại hội nghị triển khai các điểm mới theo nghị định sửa đổi các nghị định thi hành luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 11/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trên dưới đồng lòng, quyết liệt hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị tốt nhất để đón Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu sang Việt Nam xem xét gỡ "thẻ vàng".
“Chúng ta thống nhất một điều, đây không chỉ là vấn đề chống khai thác IUU mà chúng ta hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Vượt qua chống khai thác IUU đã khó nhưng đây là tiền đề đầu tiên phải vượt qua để hướng tới một ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản, minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Từ đó chuẩn bị cho “3 trụ cột” trong phát triển kinh tế thủy sản gồm: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn biển, chúng ta thảo luận với tinh thần thẳng thắn, đồng thời với tâm thế là hành động thực sự và quyết liệt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
"Vượt qua chống khai thác IUU đã khó, nhưng đây là tiền đề đầu tiên chúng ta phải vượt qua để hướng tới một ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững, từ đó chuẩn bị cho "3 trụ cột" phát triển kinh tế thủy sản gồm: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn biển", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ ngành, Chính phủ đang có chủ trương, chính sách, đề án hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, tránh khai thác tận diệt... Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân chung tay, tham gia hành động để sớm gỡ thẻ vàng của EC với ngành thủy sản Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để gỡ "thẻ vàng" IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam khi tháng 5/2024 đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang để kiểm tra lần cuối.
Cách khai thác hủy diệt, tận diệt của ngư dân trong thời gian vừa qua đã làm cạn kiệt dần nguồn lợi thủy sản, không tái sinh kịp. Làm tốt công tác chống khai thác IUU không chỉ cho hiện tại mà còn cho con cháu chúng ta mai sau và giữ gìn hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Tôi mong bà con ngư dân, doanh nghiệp cả nước hiểu được câu chuyện chống khai thác IUU để thực hiện tốt, không để các lực lượng phản động kích động người dân mình vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Nhiệm vụ chống khai thác IUU vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo, là nghĩa vụ với Tổ quốc trong giai đoạn cấp bách hiện nay để cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 90 ngàn tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển. Đây là con số quá lớn so với các nước và quá dày so với vùng biển chủ quyền của Việt Nam.