Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius và Bộ trưởng Lê Minh Hoan. |
Trong phiên làm việc với Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá và Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE - Ủy ban châu Âu), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao đổi về quan điểm của Việt Nam trong xử lý vấn đề chống khai thác IUU.
Theo đó, Bộ trưởng khẳng định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, xác định vấn đề thẻ vàng là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.
Tại các phiên làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh quyết tâm chính trị của Việt Nam là nỗ lực cao nhất để đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU. Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thủy sản đã tích cực vào cuộc.
Nhờ vậy, đến nay đã đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, đạt sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Gỡ “thẻ vàng” IUU giúp phát triển ngành thủy sản bền vững |
Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt, truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện, kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Đáng chú ý, các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi ngành khai thác hải sản bền vững. Để triển khai, Việt Nam có chiến lược giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng đề nghị Ủy ban châu Âu hỗ trợ Việt Nam công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
Đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các đối tác của Ủy ban châu Âu cho biết chuyến thăm của Bộ trưởng khẳng định rõ quyết tâm và ý chí chính trị của Việt Nam. Đây là cơ hội trao đổi trực tiếp để hai bên hiểu rõ hơn về các khó khăn trong quá trình thực thi chống khai thác IUU.
Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá và DG MARE mong muốn quan điểm của Việt Nam về xử lý thẻ vàng IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững là một hình mẫu của thế giới. Khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU mà Việt Nam đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, phía EC cũng chỉ ra rằng việc thực thi tại Việt Nam còn một số tồn tại như: Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài mặc dù đã giảm so với trước đây; việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương, tất cả các trường hợp vi phạm cần được xử lý mà không có ngoại lệ; cường lực khai thác hải sản còn cao, cần cân đối giữa nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác.
Ủy ban châu Âu cho biết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững. EU sẽ ban hành hướng dẫn về phát triển thủy sản bền vững theo chiến lược của EU về phát triển bền vững như thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn...
Trong đó, EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU. Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EU thông báo sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2024, báo hiệu một “mùa Xuân mới” trong hợp tác Việt Nam-EU cho phát triển bền vững./.
Khẩn trương xây dựng Đề án phòng, chống IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC | |
Khẩn trương củng cố hồ sơ, truy tố các đối tượng vi phạm IUU | |
|