![]() |
Những cây sưa cổ thụ được ví như 'khối vàng' lộ thiên. |
Ở đình Quán Giá, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có một cây sưa cổ thụ ước tính hơn 100 tuổi. Vào thời điểm giá sưa đỏ sốt, cây sưa cổ thụ này được giới kinh doanh gỗ trả giá hơn 60 tỷ đồng nhưng cơ quan chức năng địa phương không đồng ý bán.
Đình làng Quán Giá, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mang phong cách kiến trúc thời Nguyên, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1994. Tại ngôi đình cổ này có 3 cây sưa cổ thụ hàng trăm tuổi.
![]() |
Cây sưa lớn nhất trong khuôn viên đình Quán Giá, từng được trả giá hơn 60 tỉ đồng. |
Khi hỏi các cụ bô lão trong làng về tuổi đời của 3 cây sưa cổ thụ này thì tất cả đều lắc đầu và nói "từ khi chúng tôi còn bé xíu đã thấy cây to lớn, bóng rộng rợp mát".
Nhận thấy giá trị lớn của gỗ sưa, nhiều lần các đối tượng đã đến để để cưa trộm. Khoảng gần chục năm trước, một nhánh lớn của cây sưa gần đường đã bị cưa trộm. Từ đó, Công an xã Yên Sở đã dựng chốt, phối hợp cùng người dân bảo vệ 3 cây sưa quý. Từ đó đến nay, 3 cây sưa được người dân trông nom và chăm sóc. Hiện cây đang phát triển tốt.
![]() |
Trong khuôn viên đình Quán Giá, có rất nhiều cây sưa cổ thụ được trồng và chăm sóc. |
“Trong số 3 cây sưa, 2 cây đang bị mục gốc và mối mọt, còn 1 cây lớn nhất phát triển rất tốt, cành lá sum suê. Trưa hè mà mất điện, nóng bức là rất đông người dân trong làng ra đây ngồi dưới tán hóng mát”, một người dân địa phương cho biết.
![]() |
Cây sưa cổ thụ có tán che rợp bóng. Ngày hè, nhiều người dân vẫn ra đây ngồi hóng mát. |
Thông tin từ xã Yên Sở cho biết, 3 cây sưa đã tồn tại ở trước đình Quán Giá từ hàng trăm năm nay, các cụ lớn tuổi nhất trong xã cũng không nhớ rõ được trồng từ bao giờ. Từ ngày gỗ sưa có giá, nhiều đối tượng đến hòng cưa trộm, chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, an ninh xã phối hợp với người dân tổ chức canh gác, trông coi 3 cây sưa quý này.
![]() |
Cây sưa cổ thụ nhất được ước tính hơn 100 năm tuổi nằm ngay trước đình. |
![]() |
Cây sưa cổ thụ có đường kính hơn 1m, cỡ hai vòng tay người lớn, cao khoảng 15m. |
Lâu nay, sưa đỏ được người dân ví như báu vật, “khối vàng lộ thiên” bởi mức giá đắt đỏ mà chúng mang lại. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng thậm chí đối với những cây cổ thụ có thể được trả giá cả trăm tỷ.
Hiện nay ở Việt Nam, những cây gỗ sưa cổ thụ mọc trên rừng, trong tự nhiên còn rất ít, chỉ một số lượng ít ỏi còn sót lại trong các đình làng, miếu mạo và luôn được trông giữ cẩn thận.
Theo chia sẻ của một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho biết, sở dĩ gỗ sưa có giá đắt đỏ là bởi chúng có ý nghĩa về mặt tâm linh.
Gỗ sưa có vân gỗ đẹp, không bị mối mọt đặc biệt lại có mùi hương vĩnh hằng nên nhiều người quan niệm chúng có thể tránh tà ma, xua đuổi bệnh tật. Đây cũng được xem là loại gỗ “quý tộc”. Trước kia ở Trung Quốc, chỉ có những gia đình vua chúa, quyền thế mới được thưởng các đồ dùng làm từ gỗ này.
![]() |
Cây sưa cổ thụ gốc sần sùi vì sương gió. |
![]() |
Lá của cây sưa cổ thụ vẫn xanh tốt. |
Có hai loại là sưa trắng và sưa đỏ, sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm, gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm. Cây gỗ sưa đỏ được liệt vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, mua bán vì mục đích thương mại.
“Chính vì ý nghĩa đó mà ngày nay gỗ sưa cũng được các đại gia Trung Quốc ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, một cây gỗ sưa phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng. Do mức độ ít ỏi, quý hiếm nên gỗ sưa có giá rất cao, một cây gỗ cổ thụ có thể được trả giá cả chục tỷ đồng”, vị đại gia cho biết thêm.
Các sản phẩm từ gỗ sưa được ưa chuộng là các đồ nội thất, các sản phẩm tâm linh như: tượng Phật, lộc bình, thần tài… Do mức độ khai thác cạn kiệt nên các cây gỗ sưa cổ thụ trong tự nhiên hiện còn rất ít./.