Dù không phải là xứ sở trồng vải thiều như Hải Dương nhưng tại vùng núi An Giang lại có cặp cây vải thiều cổ thụ hơn 300 năm tuổi được người dân địa phương xem là bảo vật. |
Điều ngạc nhiên là, cặp vải thiều độc lạ này tồn tại trên 300 năm ở vùng đất An Giang, vốn không phải là xứ sở vải thiều. Cặp vải thiều này có số tuổi lớn hơn cả trăm năm so với cây vải thiều ở Hải Dương, từng được công nhận là "Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam".
Cặp vải thiều cổ thụ tại khuôn viên chùa Svây Ta Hôn (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang). Dù trải qua mưa bom, bão đạn trong chiến tranh nhưng hai cây vải thiều vẫn sừng sững đứng hiên ngang, vươn mình che bóng mát cho bà con Khmer ở xứ núi suốt bao đời.
Hai cây vải thiều cổ thụ được trồng ở chùa Svây Ta Hôn (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) từ thời đất nước còn chiến tranh. |
Hòa thượng Chau Hến - Trụ trì chùa Svây Ta Hôn cho biết, hai cây vải này đã sống hơn 300 năm, trước kia chùa có tổng cộng ba cây vải thiều nhưng lúc chiến tranh có một cây đã bị hư hỏng và chết đi, còn lại hai cây hiện tại.
"Hai cây này bằng số tuổi nhưng kích thước không đồng đều, một cây cao và to, cây còn lại thấp bé hơn một chút. Tuy vậy, cây vải có kích thước nhỏ hơn lại cho trái rất nhiều", sư cả chùa Svây Ta Hôn nói.
Trải qua bao nhiêu bom đạn, cây vải thiều cổ thụ vẫn cứng cỏi bén rễ, trở thành niềm tin yêu của bà con Khmer. |
Nhìn vẻ ngoài của hai cây vải thiều cổ thụ toát lên vẻ cổ kính, rêu phong. Tuy bén rễ trên đất núi khô cằn nhưng hai cây vải thiều phát triển rất tốt, thậm chí to và bề thế hơn hẳn cây vải thiều "tổ" ở Hải Dương.
Cặp vải thiều có chiều cao trên 30m, tán rộng hơn 50m. Thân to và thẳng đứng 3-4 người mới ôm xuể và không chia ra làm nhiều thân như những cây vải lâu đời miền Bắc.
Thân cây vải cổ thụ to, lớn mạnh khỏe 3 - 4 người ôm, trở thành điểm tựa cho nhiều giống dây leo sinh sống cũng như cách mà bà con Khmer nương tựa vào nhau. |
Thân cây vải cổ thụ đầy rong rêu, nhiều nốt u nần, sần sùi như minh chứng cho tàn tích thời gian. |
Trên thân vải cổ thụ có nhiều nốt u nần, sần sùi như minh chứng cho tàn tích thời gian để lại. Trông từ xa, cặp vải lớn và oai nghiêm tựa như hai vị hộ pháp đứng bảo vệ trước sân chùa.
"Tới mùa hai cây vải này rụng lá rất nhiều. Khoảng tháng 3 âm lịch là lúc cây ra trái. Trái vải tuy nhỏ nhưng ngọt thanh và rất thơm. Những lúc đó, trẻ con trong vùng tụ họp lại hái trái vải ăn rất đông vui", vị trụ trì cho hay.
Thân cây vải thiều cổ thụ này to và thẳng đứng 3-4 người mới ôm xuể và không chia ra làm nhiều thân như những cây vải lâu đời miền Bắc. |
Hai cây vải thiều cổ thụ này rất đặc biệt, nhiều năm liền nếu cả 2 cây vải ra trái đều thì năm đó thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu còn ngược lại thì mùa màng thất bát. |
Theo lời kể của các sư trong chùa và người dân xung quanh, hai cây vải cổ thụ này rất đặc biệt, năm nào cả 2 cây vải ra trái đều thì năm đó thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Thế nên người dân trong vùng xem cặp vải này là "báu vật", mỗi dịp lễ hay Tết, bà con thường đến dưới tán cây vui chơi, sinh hoạt văn hóa, cầu thời tiết ôn hòa, vụ mùa thuận lợi.
Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp Chi cục Kiểm lâm An Giang tổ chức lễ công bố và trao Bằng công nhận hai cây vải đại lão này là "Cây di sản Việt Nam", cần được bảo tồn và gìn giữ.
Năm 2013, hai cây vải thiều cổ thụ này đã được công nhận "Cây di sản Việt Nam", cần được bảo tồn và gìn giữ. |
Hai cây vải thiều cổ thụ không chỉ gây ngạc nhiên với độ tuổi 300 năm, với dáng thế sừng sững qua năm tháng. Cặp vải như chứng nhân cho lịch sử thăng trầm của vùng đất An Giang, vẫn sừng sững trước đạn bom và phong ba bão táp. Với người dân địa phương cặp vải thiều cổ thụ quý như báu vật và linh thiêng báo hiệu những thuận lợi, khó khăn phía trước./.