Canada tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo tính toán từ số liệu của Cơ quan thống kê Canada, trong tháng 7 Canada nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 179,5 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng 7/2020. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp nhập khẩu mặt hàng này tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ là ba thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Canada trong 7 tháng đầu năm 2021.
Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 262,3 triệu USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng chiếm 17,6%, tăng 1,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Canada nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt 551,8 triệu USD, tăng 65,3% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 37% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Ngoài ra, nhập khẩu từ Mỹ đạt 224,9 triệu USD, tăng 20,4%, chiếm 15,1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng gỗ của Canada, giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
(Nguồn: Cơ quan thống kê Canada/Bộ Công Thương) |
Cũng theo Cơ quan thống kê Canada ghế khung gỗ là mặt hàng nhập khẩu với trị giá lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 576,8 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 38,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Canada nhập khẩu ghế khung gỗ từ Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam với trị giá chiếm 83,5% tổng trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Canada trong 7 tháng đầu năm 2021.
Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 481,4 triệu USD, tăng 56,7% và mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ đạt 259 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện người tiêu dùng Canada có xu hướng gia tăng đối với đồ nội thất nhỏ gọn và đa năng cũng như người tiêu dùng thế hệ trẻ đang yêu cầu đồ nội thất được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Hoạt động nhà ở được cải thiện và chi tiêu tăng cho các sản phẩm nội thất gia đình. Thị trường hướng đến người tiêu dùng, với doanh số bán đồ gia dụng cho đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn chiếm phần lớn, tiếp theo là chi tiêu cho các loại đồ nội thất khác.
Người Canada ưa chuộng sản phẩm có độ bền và thời gian sử dụng lâu dài, do đó ngày càng có nhiều nhu cầu về đồ nội thất cao cấp. Các sản phẩm bằng gỗ được ưa chuộng chủ yếu là nội thất phòng khách và phòng ăn. Gỗ là một trong những nguyên liệu được sử dụng rộng rãi để sản xuất đồ nội thất, chiếm trên 30% nguyên liệu dùng trong sản xuất đồ nội thất.
Các loài gỗ của Canada được sử dụng như Western Hemlock, Western Red Cedar, Douglas Fir và Spruce-Pine-Fir mang lại tính linh hoạt cao, độ bền cao phù hợp để sản xuất đồ nội thất chất lượng cho gia đình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý việc Canada thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2 của Dự án Đánh giá và Quản lý thuế (CARM 2), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2022.
Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt cần chú ý tới những xu hướng của người tiêu dùng Canada để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.