Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo trong 3 tháng. |
Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo
Ba tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là số liệu mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn từ Hải quan Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gạo hiện lọt top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Nguyên nhân là nhờ các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore đều tăng mua hàng Việt. Trong đó, các cuộc đấu giá gạo của Philippines quý I luôn có hàng Việt chiếm áp đảo.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, các quốc gia tăng mua hàng nhưng họ cũng lo ngại phụ thuộc vào Việt Nam nên đã lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, Philippines, Indonesia đang nỗ lực tăng năng suất và diện tích sản xuất lúa trong nước năm nay. Các quốc gia này ngoài đưa ra các chương trình hỗ trợ phân bón, giống chất lượng cao, họ còn bổ sung thêm tài chính để nông dân trong nước tăng tốc trồng trọt.
Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng phân bổ ngân sách năm nay cho chương trình trợ cấp phân bón thêm 1,77 tỷ USD lên khoảng 3,41 tỷ USD như một phần trong nỗ lực tăng năng suất sản xuất nông nghiệp ở nước này.
Tại thị trường châu Phi - khu vực nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam - cũng đang được hỗ trợ sản xuất lúa gạo thông qua dự án đến từ các quốc gia khác để họ có thể tự cung tự cấp lương thực.
Do đó, Bộ cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng để hàng Việt ngày càng cạnh tranh hơn trên thế giới.
Doanh nghiệp cần làm gì để giữ vững thị phần
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt. |
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, để gạo Việt Nam chắc chân tại thị trường Philippines các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt.
"Trước hết là phải đầu tư hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới" - ông Phùng Văn Thành khuyến nghị và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2024 cơ hội xuất khẩu cho ngành gạo là rất lớn, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu 2024 vẫn nóng và có nhiều biến động, doanh nghiệp gạo phải bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững.
"Việc nắm bắt nhanh thông tin thị trường sẽ giúp đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024" - Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị và nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng.
Tính đến 15/3/2024, gạo là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp, khi xuất bán thành công gần 1,6 triệu tấn, mang về 1,06 tỷ USD.
Trong khi quý I năm trước, ngành gạo xuất khẩu gần 1,85 triệu tấn, nhưng trị giá chưa đạt tỷ USD, dừng ở 981 triệu USD.
Rõ ràng, nhờ giá xuất khẩu tăng cao, dù sản lượng gạo bán ra thấp hơn nhưng trị giá thu về từ xuất khẩu đã tăng đáng kể, đồng thời cho thấy hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc.