Nông dân huyện Tứ Kỳ tham gia thi gặt lúa. |
Đây là dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm lúa, rươi, sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, cổ vũ, động viên, ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp với kinh tế địa phương và khu vực, đồng thời, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách khuyến khích, ưu đãi của huyện Tứ Kỳ trong thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Tự hào những sản phẩm nông nghiệp "vị nhân sinh"
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho biết Hải Dương đã và đang tập trung phát triển nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị dựa trên tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực nông nghiệp riêng của từng vùng, từng địa phương.
Việc khai thác, bảo tồn đặc sản rươi, cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thuỷ sinh phát triển bền vững.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 881ha diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn.
Trong đó, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện Tứ Kỳ đạt 550ha, lớn nhất tỉnh Hải Dương. Huyện Tứ Kỳ tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, nâng diện tích này lên 700ha vào năm 2025.
Sản lượng rươi hiện đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với thâm canh vô cơ.
Hiện toàn huyện Tứ Kỳ có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhân dịp này, đại diện Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Nông nghiệp Thế hệ mới và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đã ký kết hợp đồng với bên sản xuất để liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm hữu cơ, hợp tác về du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho biết, Tứ Kỳ là một huyện nằm trong lưu vực sông Thái Bình, sông Luộc và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của các dòng sông bao quanh huyện.
Nông dân Tứ Kỳ chăm chỉ, cần cù, có truyền thống, kinh nghiệm làm nông nghiệp từ nhiều đời nay. Sự kết hợp giữa tinh hoa của đất trời với bàn tay, sự sáng tạo của người nông dân, tất cả như được hòa quyện lại để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đông, trong đó có rươi, cáy, lúa hữu cơ và nhiều sản phẩm khác từ nông nghiệp.
"Xác định phát triển nông nghiệp là một trong bốn trụ cột theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường bền vững, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm, những sản phẩm nông nghiệp "vị nhân sinh" của Tứ Kỳ ngày càng có chất lượng và lan tỏa đến cộng đồng cả nước trong những năm qua", ông Sẫm nói thêm.
Bán hạt gạo không bao giờ giàu, bán sự tử tế sẽ giàu
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ. |
Tới chung vui với bà con trong ngày hội thu hoạch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã dành thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng bà con nông dân để làm thế nào xây dựng, nhân rộng nền nông nghiệp sạch, tử tế.
Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm, phải chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng và người nông dân phải kể được câu chuyện về giá trị sản phẩm của chính mình. “Chúng ta bán hạt gạo không bao giờ giàu, bán sự tử tế sẽ giàu”, Bộ trưởng Hoan nói.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Hoan chia sẻ: “Tôi thường nói với mấy bác nông dân rằng mấy bác trồng lúa đừng có bán gạo mà bác bán chính bác luôn. Tức, bác phải nói lên được tâm thế của người nông dân quan tâm bảo vệ môi trường, quan tâm sức khỏe cộng đồng, sức người khỏe người tiêu dùng một cách đầy cảm xúc. Câu chuyện càng giàu cảm xúc thì giá trị sản phẩm càng cao”.
Bộ trưởng cho rằng, tư duy làm nông nghiêp vị nhân sinh, làm nông nghiệp vì sức khỏe con người của Tứ Kỳ và của Hải Dương rất ý nghĩa và rất cần lan tỏa. Do đó, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo, chính quyền tỉnh Hải Dương cùng bà con nông dân viết tiếp câu chuyện có sức lan toả để gia tăng hơn nữa giá trị cho sản phẩm hạt lúa, con rươi, để lúa, rươi không phải của riêng Tứ Kỳ, của Hải Dương mà là của Việt Nam. Qua đó, truyền thông ra thế giới rằng người Việt Nam đang làm nông nghiệp tử tế.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, trong các loại đặc sản được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương như rươi, cáy, gạo hữu cơ và các sản phẩm khác, sản phẩm đã tốt nhưng cần chăm chút ngay từ phần bao bì, phải có thông tin cụ thể của sản phẩm, hướng dẫn sử dụng kèm theo, để người tiêu dùng biết cách sử dụng sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất, không để sự tùy tiện làm giảm đi giá trị của sản phẩm.