Đối với cà phê cần có “câu chuyện” để khẳng định "cà phê sạch". |
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu (EU), Mỹ, Đông Nam Á. Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần.
Nhiều “luật lệ” mới từ EU
Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, đạt từ 1,75 - 1,85 triệu tấn.
Trong tổng số hơn 710.000ha này, chỉ có hơn 185.000ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận Utz Certified (Chứng nhận toàn cầu về sản xuất, kinh doanh cà phê có trách nhiệm); chứng nhận Rainforest (Bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên toàn cầu do Tổ chức RA thực hiện); chứng nhận 4C (Quy tắc chung của cộng đồng cà phê - là một hệ thống chứng nhận toàn cầu về trồng và sản xuất cà phê bền vững); chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam). Đây là con số nhỏ so với phần diện tích không có các chứng chỉ.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Bền vững cấp cao - Tổ chức 4C nhận định, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, cần có những thay đổi để tuân thủ “luật lệ” mới từ EU và các thị trường trên thế giới, như quy định về Chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định Giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…
Theo bà Hà, ngày 16/5/2023, Ủy ban Châu Âu đã thông qua nội dung Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng được gọi tắt là EUDR. Theo quy định này, 07 mặt hàng bao gồm cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu tương, gia súc, gỗ, cao su và các sản phẩm chế biến có liên quan như đồ gỗ, lốp, thịt đông lạnh, các sản phẩm in... sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường EU nếu sản phẩm được trồng trên đất phá rừng vào thời điểm từ 31/12/2020 trở lại đây. Tháng 6/2023 quy định EUDR đã có hiệu lực và tháng 12/2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tập đoàn lớn (nhập khẩu vào châu Âu), tháng 6/2025 sẽ chính thức áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (nhập khẩu vào châu Âu).
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Vicofa: “Liên quan đến các quy định của Ủy ban châu Âu, Vicofa đã có nhiều buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tổ chức cà phê 4C, Ban tư vấn phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để bàn giải pháp tuân thủ quy định cũng những các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cà phê. Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị nhiều lần để triển khai về EUDR, cũng như đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU)”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhìn nhận, với quy định này của EU, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm yêu cầu của họ. Bởi, châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 60% sản lượng của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho cà phê Việt Nam. Nếu làm tốt sẽ tiến tới sản xuất xanh, bền vững, đồng thời sản phẩm của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn tại EU so với mặt hàng cùng loại từ các quốc gia chưa thích ứng được với EUDR.
Nước ta hiện có 70% diện tích cà phê không liên quan đến rừng, 20% giáp ranh với rừng và có 10% nằm xen kẽ là thuộc nhóm nguy cơ, ông Tuấn cho hay.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, hiện giá cà phê trên dưới 70.000 đồng/kg - mức giá cao nhất 30 năm trở lại đây.
Trong nhiều nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao, có nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến sản lượng và chất lượng cà phê suy giảm. Ông Nam cho rằng, quy định trong EUDR của EU thể hiện trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường toàn cầu.
EU là thị trường lớn, nếu không thực hiện tốt EUDR sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ngược lại, đây cũng là cơ hội nâng thị phần cà phê Việt tại thị trường này, ông nhấn mạnh.
Theo ông Nam, tổng diện tích cà phê ở nước ta là 680.000ha, hầu hết đã trưởng thành. Tuy nhiên, nước ta có 1,2 triệu hộ nông dân trồng cà phê, diện tích 0,5 ha/hộ rất nhiều. Truy xuất nguồn gốc đến tận vườn nhỏ rất khó khăn nếu chiếu theo quy định EUDR.
Ông kiến nghị, các bộ ngành phải có cơ sở dữ liệu tạo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc. Việc chứng minh nguồn gốc như thế nào theo quy định của EU cũng cần phải bàn. Cần có bản đồ rừng từ 31/12/2020 để xác định rõ truy xuất nguồn gốc cà phê.
Người sản xuất cà phê cần phải làm cho sản phẩm của mình vượt trội
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Giang Huy |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Khó khăn là vấn đề cần phải đối mặt khi đi trên bất cứ con đường nào. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra hướng đổi mặt, giải quyết. Đối với cà phê, tôi cho rằng cần có “câu chuyện” để khẳng định "cà phê sạch", ở đây chúng ta không đơn giản là bán cà phê mà chính là bán “câu chuyện” về cà phê. Hiện có rất nhiều thương hiệu cà phê, nghĩa là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy người sản xuất cà phê cần phải làm cho sản phẩm của mình vượt trội, lúc đó, người ta không còn mua cà phê nữa, mà là mua cách tạo ra cà phê, "mua" con người làm ra sản phẩm đó...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính những “câu chuyện” đó là yếu tố để khách hàng tìm đến và tiếp tục quay lại. Có 2 điều phải nhớ và phân biệt rõ, là sản phẩm và thương phẩm. Sản phẩm là cái ta tạo ra, thương phẩm là cái ta đem ra thị trường, đáp ứng cái chuẩn hóa của thị trường, nhu cầu của thị trường. Hiện nay người ta không chỉ yêu cầu sản phẩm ngon, chất lượng nữa mà người ta còn cần yếu tố văn hóa ở đó.
Theo ông Nguyễn Như Cường, để phát triển cà phê bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, cà phê cảnh quan.
Phấn đấu 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, chống chịu bệnh gỉ sắt, áp dụng đúng quy trình tái canh. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, đặc sản, hữu cơ.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng quy trình tái canh cây cà phê do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất; chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cà phê…
Để phát triển bền vững ngành cà phê, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần rà soát lại quy mô, diện tích cà-phê; chọn tạo giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất cà-phê theo hướng hàng hóa; tổ chức liên kết sản xuất; nâng cao công nghệ chế biến, hướng đến chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng; kêu gọi đầu tư vào công nghệ chế biến, hạ tầng… nhằm thúc đẩy ngành cà-phê phát triển; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà-phê Việt Nam đến các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và chế biến cà-phê…
Nguồn cung thấp đẩy giá cà phê lên sát mốc 100.000 đồng/kg |
Giá cà phê tăng vọt đẩy doanh nghiệp chế biến vào thế khó |
Thử nghiệm mô hình kinh doanh tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam |