Nguồn cung thấp đẩy giá cà phê lên sát mốc 100.000 đồng/kg Vải làm từ bã cà phê – hướng đi mới cho chất liệu ngành may mặc Giá nông sản hôm nay 22/3: Cà phê đảo chiều tăng, hồ tiêu quay đầu giảm |
Giá cà phê tăng vọt đẩy doanh nghiệp chế biến vào thế khó. |
Cột mốc 100.000 đồng/kg không còn xa
Sàn giao dịch cà phê robusta trên sàn London tràn ngập sắc xanh với mức tăng 30 - 40 USD/tấn. Sắc xanh vẫn duy trì trong cả phiên giao dịch, thời điểm tăng thấp nhất cũng 12 USD có lúc vọt lên tới 78 USD. Chốt phiên, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 5 tăng 70 USD/tấn, đạt mức 3.385 USD/tấn. Đây là một cột mốc mới của giá cà phê trên sàn London, tăng 4 USD so với kỷ lục cũ ngay đầu tháng này.
Điều tương tự cũng được ghi nhận với giá cà phê arabica trên sàn New York. Mức giá tăng cao nhất lên đến 132 USD/tấn. Khi chốt phiên, kỳ hạn giao tháng 5 tăng 72,6 lên 4.098 USD/tấn. Các kỳ hạn giao tháng 7 cũng và 9 cũng tăng khoảng 67 - 70 USD/tấn. Khối lượng hàng hóa giao dịch rất lớn.
Giá cà phê arabica của Brazil cũng tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng gần 96 USD/tấn lên 5.073 USD/tấn.
Cú tăng vọt của thế giới đẩy giá cà phê Tây nguyên tiếp tục tăng thêm bình quân hơn 1.000 đồng vào sáng sớm nay. Tại Đắk Nông có giá 95.500 đồng/kg, Đắk Lắk 95.400 đồng/kg, Gia Lai 95.000 đồng/kg và Lâm Đồng 94.700 đồng/kg.
Trên các diễn đàn, nhiều người thức canh giá cà phê vô cùng phấn khởi và tin rằng cột mốc 100.000 đồng/kg không còn xa; đồng thời chia sẻ thêm thông tin vui khác là mưa trái mùa xảy ra ở nhiều địa phương thuộc Tây nguyên. Điều này cũng giống như niềm vui nhân đôi vì sau nhiều ngày nắng nóng và khô hạn gay gắt ở nhiều địa phương dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê cho của vụ thu hoạch sắp tới.
Doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn
Giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp “méo mặt”. Ảnh: H.S |
Ông Lê Văn Lương – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry (tỉnh Quảng Nam) cho biết trước đó doanh nghiệp thường xuyên nhập hàng chục tấn cà phê hạt để sản xuất thành phẩm cung cấp cho các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp chỉ có thể nhập cầm chừng vài tấn để cung ứng cho các hợp đồng đã ký kết từ trước.
“Hiện nay, cầu đang nhiều hơn cung. Doanh nghiệp sản xuất luôn phải mua giá cao hơn giá niêm yết từ 10-15% vì những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn của nguồn hàng, chưa kể đến chi phí vận chuyển cũng như chế biến. Với mức giá như hiện nay thì rất khó để sản xuất với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường”, ông Lương nói.
Cũng theo vị này, giá cà phê tăng cũng theo chu kỳ trong vòng từ 8-10 năm. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, suy thoái kinh tế đang tạo áp lực đè nặng doanh nghiệp nên giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp “méo mặt” là hiển nhiên.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ia Châm (tỉnh Gia Lai) nhìn nhận với mức giá và số lượng cà phê như hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo ông Tuấn, khi giá cà phê tăng thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực lớn về nguồn vốn và tìm kiếm nguồn hàng để thu mua.
“Thực trạng thị trường cà phê hiện nay là do người dân đã bán trước đó, cùng với việc vụ cà phê mất mùa đã phải đền hợp đồng nhiều nên các đầu mối đã tự nâng giá để thua mua hạt cà phê mà không theo một quy luật nào. Các đơn vị sản xuất đều lâm cảnh khó khăn khi mua sản phẩm về không chỉ phải tìm cách bảo quản, mà còn phải lo thêm phần giá cả”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhận định, thực tế do thiếu vốn, nên không mấy doanh nghiệp mua trữ cà phê lúc giá thấp. Trái lại thu mua cà phê vào lúc này, giá cà phê mua vào tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, khiến lợi nhuận giảm đi.
Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng. Hiện cà phê trong dân và các đại lý gần như cạn kiệt. Phần lớn cà phê đang nằm ở trong kho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các doanh nghiệp này được hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục.
Mặt khác, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, giá cao nên người trồng găm hàng không bán. Thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao, bán thấp.
Với giá nguyên liệu quanh 95.000 đồng một kg hiện nay, các công ty ước tính họ lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn.
Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng phi mã trong thời gian qua, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), có 3 lý do chính. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là sự tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu.
Ông Hải cho rằng, có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới.
Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hải là các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.
Cuối cùng là hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Từ những nguyên nhân trên, ông nói rằng, không ai có thể dự báo giá cà phê có thể lên tới 95.000 đồng/kg như hiện nay song ông Hải chắc chắn rằng giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
3 điểm mới nổi bật của cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 |
Giá nông sản hôm nay 19/3: Cà phê đảo chiều tăng, hồ tiêu giữ ổn định |
Nguồn cung thấp đẩy giá cà phê lên sát mốc 100.000 đồng/kg |