giá cà phê sắp chạm mốc 100.000 đồng/kg. |
Giá cà phê cao nhất từ trước tới nay
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, đầu vụ giá cà phê dao động 60.000 đồng/kg, từ đầu tháng 3/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước bắt đầu tăng mạnh so với cuối tháng 2/2024, do tồn kho thấp và nhu cầu vẫn rất cao. Ngày 11/3/2024, giá cà phê Robusta tăng từ 7.100 – 7.400 đồng/kg so với ngày 29/2/2024, lên mức cao kỷ lục mới 89.800–90.800 đồng/kg.
Đến ngày 25/3/2024, Đắk Nông là địa phương có giá cao nhất 95.300 đồng/kg, 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai có cùng mức giá 95.200 đồng/kg, riêng tỉnh Lâm Đồng giá thấp nhất 94.700 đồng/kg.
Tại phiên giao dịch 27/3, giá cà phê nhân ở các tỉnh Tây Nguyên đồng loại tăng 1.100 đồng một kg so với phiên trước đó, lên mức 98.100 đồng - cao nhất từ trước tới nay.
Trên diễn đàn kinh doanh cà phê, nhiều người trồng và thương lái khá bất ngờ khi giá mặt hàng này sắp cán đích 100.000 đồng một kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 46.000 đồng.
Cung, cầu là yếu tố ảnh hưởng đẩy giá cà phê Việt Nam tiếp tục đà tăng, bởi từ cuối năm 2023 đến tháng 4/2024 cả thế giới hầu như không còn có nguồn cung nào khác ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, không một ai nghĩ giá cà phê Robusta có thể sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg. Khi giá cà phê trong xu thế tăng đã xảy ra 2 vấn đề, đó là doanh nghiệp khó mua được hàng để giao cho các hợp đồng đã ký, thậm chí có doanh nghiệp do ngại giá cà phê tăng quá cao không dám ký hợp đồng mới.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, từ cuối năm 2023 đến tháng 4/2024, cả thế giới hầu như chỉ có duy nhất Việt Nam còn nguồn cung cà phê Robusta, nên hầu như các nhà mua thế giới đều tìm đến Việt Nam để khai thác và mua hàng. Đối với cà phê Việt Nam, kể cả người bán lẫn người mua đều phải thận trọng, do niên vụ cà phê 2023-2024 của Việt Nam tiếp tục mất mùa, dẫn đến nguồn cung hạn chế nên chưa thể khẳng định được điều gì về giá. Mặt khác, khi giá cà phê có nhiều biến động sẽ có nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu.
Phân tích các yếu tố dẫn đến tăng giá cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho rằng, có nhiều yếu tố tác động lên giá cà phê, do diện tích cây cà phê giảm nhưng quan trọng nhất vẫn do biến đổi khí hậu làm năng suất cây trồng giảm dẫn đến giảm sản lượng và tồn kho vụ trước chuyển qua thấp. Ba yếu tố trên cùng lúc tác động khiến nguồn cung bị thiếu hụt trong khi nhu cầu cà phê trong nước và trên toàn cầu không giảm thậm chí tăng. Thấy trước tình hình có thể gây rủi ro, Vicofa đã cảnh báo tới các doanh nghiệp hội viên tránh hiện tượng bán xa và mua xa.
Doanh nghiệp xuất khẩu gồng lỗ
Các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có. Ảnh TTXVN |
Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt, vì giá cao nên người trồng găm hàng không bán. Hiện, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục.
Với giá nguyên liệu quanh 95.000 đồng một kg hiện nay, các công ty ước tính lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, cho biết giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó. Đầu vào lên 85.000-95.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ...
Tình cảnh trên đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê. Ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước), nói công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang.
Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. "Nếu càng xuất khẩu, chúng tôi càng lỗ", ông Hưng nói.
Cũng đang trong tình trạng cầm cự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho hay các đầu mối bán giá 99.000 đồng một kg cà phê nhân xô. Giá này công ty chỉ mua nhỏ giọt. "Thời gian qua, doanh nghiệp đã phải gồng lỗ, khi giá càng lên cao, lỗ càng lớn nếu mua nhiều", ông Thông nói.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam thời gian gần đây. Họ đang phải mua cao, bán thấp. Hiện với giá 98.000 đồng một kg, doanh nghiệp lỗ hàng tỷ đồng.
"Hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam đang cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang mua hàng từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, trước tình hình giá Robusta cao và khó mua hàng như hiện nay, rất nhiều nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển sang mua cà phê Arabica của Brazil nhờ mức giá ổn định hơn", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho biết.
Nhiều dự báo cho thấy, tiêu thụ hạt cà phê toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024 sẽ tăng 20% tính từ năm 2013-2014, trong đó châu Á tăng nhiều nhất. Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, giá sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng. Nếu trước đây ký hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn thì trong bối cảnh hiện nay, để giảm bớt rủi ro thua lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu nên mua ngay bán ngay thay vì ký bán kỳ hạn dài như trước.
Vải làm từ bã cà phê – hướng đi mới cho chất liệu ngành may mặc |
Giá nông sản hôm nay 22/3: Cà phê đảo chiều tăng, hồ tiêu quay đầu giảm |
Giá cà phê tăng vọt đẩy doanh nghiệp chế biến vào thế khó |