Ngải cứu còn được gọi là: thuốc cứu, ngải diệp, cây thuốc cao, thuộc họ Cúc và là một loại rau ăn được. Ngải cứu có tên tiếng Anh là Wormwood, Mugwort; tên khoa học là Artemisia vulgaris.
Đặc điểm của ngải cứu là thân cây có nhiều rãnh nhỏ, lá mọc so le từ thân ra chứ không có cuống, mặt trên lá màu xanh thẫm, mặt dưới trắng ngà, khi chạm vào có cảm giác ráp tay. Khi lại gần hoặc lấy tay vò nhẹ lên lá sẽ thấy lá ngải cứu tỏa ra mùi thơm hơi hắc rất đặc trưng.
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm, đi vào kinh tỳ, can, thận, giúp ôn bào cung, cầm máu, an thai, giảm đau, dùng được tất cả các bộ phận của cây, vừa có thể dùng ở dạng tươi, vừa dùng được ở dạng khô.
Theo y học hiện đại, trong ngải cứu có nhiều hoạt chất phong phú, đặc biệt bao gồm tinh dầu, flavonoid, sesquiterpene lacton, axit phenolic, coumarin, và các nhóm chất chuyển hóa khác. Ngải cứu không chỉ điều trị bệnh phụ khoa và đường tiêu hóa mà trong những nghiên cứu gần đây cho thấy ngải cứu còn có tác dụng chống oxy hóa, hạ huyết áp, bảo vệ gan, chống tiêu chảy, giảm đau, estrogen, giải độc tế bào, kháng khuẩn, kháng nấm, hạ huyết áp và tác dụng giãn phế quản.
Sau đây là một số tác dụng mà Ngải Cứu mang lại cho sức khỏe:
Chườm lá ngải cứu với muối giúp giảm đau xương khớp
Chỉ cần lấy lá ngải cứu, tùy theo lượng cần chườm, một nắm nhỏ muối hột, sau đó sao nóng lá ngải với muối biển đến khi chuyển màu. Bọc lá ngải cứu và muối còn nóng vào khăn mỏng sau đó chườm lên vùng khớp bị sưng đau. Nên sử dụng ngày 2-3 lần để thấy tác dụng.
Ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt
Đối với những người bị rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thường xuyên gặp phải tình trạng đau bụng, đau lưng khi “tới tháng” có thể dùng ngải cứu. Tính ấm của ngải cứu sẽ làm giảm các cơn đau bụng, đau lưng và cải thiện kinh nguyệt.
Ngải cứu có tác dụng trị dọa sảy thai
Dùng ngải cứu, sa nhân mỗi vị 6g, a giao (hòa vào uống), bạch truật mỗi vị 15g, tô ngạnh, hoàng cầm mỗi vị 12g, tang sinh ký, đỗ trọng mỗi vị 24g. Sắc uống trong ngày, nên uống khi còn ấm
Ngải cứu giúp sơ cứu vết thương
Khi bị chảy máu, có thể giã nát lá ngải cứu tươi sau đó thêm một chút muối để đắp lên vết thương. Chỉ nên cho một lượng muối nhỏ trong trường hợp có vết thương hở để tránh bị xót, rát.
Ngải cứu có tác dụng chống nấm
Tinh dầu chưng cất từ ngải cứu cũng góp phần ức chế sự phát triển của hai loại nấm Candida albicans và Saccharomyces cerevisiae var. chevalieri.
Ngải cứu có tác dụng giúp máu lưu thông lên não
Đối với người thường xuyên bị thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt đau đầu có thể sử dụng ngải cứu kết hợp trứng để tăng tuần hoàn máu lên não, giảm các cơn đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
Cách làm vô cùng đơn giản, bạn có thể làm món trứng rán ngải cứu: Chuẩn bị 2 quả trứng gà và một nắm ngải cứu nhỏ. Ngải cứu rửa sạch thái nhỏ sau đó trộn đều với trứng gà, đánh đều tay đến khi hỗn hợp sệt lại. Nêm nếm gia vị sau đó đem rán đến khi chín vàng. Nên ăn khi còn nóng sẽ không bị đắng.
Lưu ý:
Mặc dù ngải cứu có tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng đối với đối tượng phụ nữ mang thai không nên sử dụng quá nhiều. Chỉ nên dùng 3-5 ngọn mỗi lần và chỉ nên ăn 3 lần/tuần. Nếu có tiền sử sảy thai, sinh non nên hạn chế sử dụng ngải cứu. Cân nhắc sử dụng khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.