Lá lốt có nhiều công dụng trong điều trị bệnh |
Nếu bạn đã từng ăn qua các món ăn như: Bò nướng lá lốt, dùng lá lốt để cuốn các món ăn (bánh xèo, bánh khọt), hoặc ăn kèm rau sống,… thì sẽ không còn quá xa lạ với loài rau này. Vị chúng có mùi đặc trưng hơi nồng, nhưng khi ăn vào lại rất thơm miệng. Đây là loại rau mọc nhiều ở ven đường, dễ trồng trong vườn, sống được dù ở môi trường khắc nghiệt.
Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Tác dụng chữa bệnh của lá lốt có rất nhiều, người xưa đã biết dùng lá lốt trị phong thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi.
Những bài thuốc từ lá lốt chữa đau nhức xương khớp
Lá lốt có thể dùng uống bên trong hoặc xoa bóp bên ngoài để tăng hiệu quả làm giảm đau nhức. Sau đây là một số bài thuốc lưu truyền trong dân gian từ lá lốt chữa xương khớp mà bạn có thể tham khảo:
Sử dụng lá lốt ngâm chân
Bạn sử dụng 30g lá lốt tươi đem rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 – 5 phút. Sau đó, cho vào thêm ít muối, để ấm rồi dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân. Ngâm cho đến khi nước nguội. Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Bạn nên kiên trì ngâm chân trong khoảng 14 ngày, các dấu hiệu đau nhức sẽ giảm bớt. Bạn cũng nên sử dụng lá lốt già hoặc cả phần thân rễ của cây để đạt hiệu quả cao nhất. Khi sử dụng lá già, thân, rễ thì thời gian đun sẽ lâu hơn, cần 10 – 15 phút để lấy hết dược chất có trong thuốc.
Sắc nước lá lốt để uống
Bạn dùng 5-10g lá lốt phơi khô hoặc 15-30g lá tươi sắc lần 1 với 2 bát nước, cho đến khi còn một bát. Làm tương tự với lần 2. Sau đó, chia nước sắc từ lá lốt thành 2-3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm và nên uống sau bữa ăn tối. Áp dụng trong 7-14 ngày bạn sẽ thấy các dấu hiệu đau nhức thuyên giảm đáng kể.
Lá lốt ngâm rượu
Bạn có thể sử dụng cả thân và rễ của cây lá lốt để ngâm với rượu trắng. Đem thân, rễ lá lốt rửa sạch rồi cắt nhỏ ngâm trong rượu trắng trong vòng 1 tháng là có thể dùng được. Sau đó, dùng để xoa bóp nhẹ nhàng ở khu vực xương khớp bị đau nhức 2-3 lần mỗi ngày, sẽ giảm nhanh triệu chứng đau..
Những lưu ý khi sử dụng lá lốt chữa đau nhức xương khớp
Lá lốt chữa trị chứng đau nhức xương khớp là mẹo dân gian khá đơn giản, tiết kiệm, dễ kiếm và có hiệu quả trong một vài trường hợp khi mức độ đau nhức từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bạn cần phải áp dụng đúng cách và kiên trì trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được hiệu quả.
Lưu ý rằng bạn chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 100g. Vì nếu dùng nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải…
Bệnh nhân đang mắc bệnh táo bón, nhiệt miệng, nóng bức trong người thì không nên sử dụng lá lốt. Ngoài ra, lá lốt còn gây mất sữa nên đối tượng là phụ nữ cho con bú cần cân nhắc khi dùng.
Bên cạnh đó, khi muốn sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào thì chúng ta cũng nên cân nhắc đến liều lượng và cách dùng, khả năng tương tác với các phương pháp điều trị khác. Vì vậy, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định áp dụng bất kỳ bài thuốc nào.
Ngoài ra, các bài thuốc từ lá lốt dành cho người bị đau xương khớp đều là mẹo dân gian, chưa được chứng minh là có hiệu quả trong mọi trường hợp. Loại dược liệu này chỉ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng chứ không thực sự giải quyết được nguyên nhân gây bệnh đau nhức xương khớp.
Vì vậy, nếu áp dụng mà không thấy triệu chứng đau nhức xương khớp thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bệnh nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày thì bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp hơn.
Cách trồng lá lốt ở nhà hái mỏi tay
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng lá lốt. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Lá lốt có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ xanh tốt và cho năng suất cao nêu được trồng trên đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng.
Để đảm bảo cây phát triển tốt nhất, bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Lá lốt thường được trồng bằng cành. Chọn những cây lá lốt sinh trưởng mạnh (lá xanh bóng, mượt, kích thước lá to) cắt thành từng đoạn dài 20 - 30cm để giâm.
Giâm những đoạn thân vừa cắt trực tiếp trên liếp đã chuẩn bị để trồng, giâm từng hàng vào đất (ngập 2/3 đoạn thân vừa cắt), sau đó tưới nước nhẹ cho cây đủ ẩm.
Khoảng 15 ngày đầu sau khi trồng, tưới nước ngày 2 lần cho cây. Sau đó, có thể 2 - 3 ngày tưới 1 lần tùy thuộc vào thời tiết.
Thường xuyên làm cỏ, vun xới cho cây.
Sau mỗi đợt thu hoạch, bón phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… cho cây.
Nếu chăm sóc tốt thì cây lá lốt sẽ cho thu hoạch sau 1 tháng trồng.