Thủy sản đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh
Tính đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của Bắc Ninh khoảng 5.185 ha, bằng xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 2.060 lồng, tăng 50 lồng so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, sản lượng thủy sản ước đạt 22.264 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 1,1%, nuôi lồng bè tăng 2,8%; khai thác giảm 2,4%.
Trong nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm, nhờ tiếp tục đẩy mạnh thâm canh và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và nuôi cá lồng trên sông với nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, nên lĩnh vực thủy sản của tỉnh Bắc Ninh cũng đạt mức tăng trưởng khá (+2,7%).
Đáng nói, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương trong tỉnh những năm trở lại đây được người dân ý thức lựa chọn kỹ càng từ khâu con giống đến cải tạo ao - hồ nuôi, hơn hết là trách nhiệm giữ gìn môi trường nên tình hình được cải thiện rõ rệt, năng suất qua mỗi mùa vụ tăng trưởng đều. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư chi phí áp dụng những mô hình sản xuất khép kín, vận dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như việc sử sụng công nghệ sục khí liên hoàn nhằm giảm thiểu dịch bệnh gây hại đến vật nuôi.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng những mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao trong ngành thuỷ sản như: nuôi cá sông trong ao, nuôi thương phẩm cá rô phi thâm canh trong ao lót bạt, sử dụng công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng nitơ, cacbon)…
Để thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mạnh hơn nữa, Hội Nghề cá Bắc Ninh cùng các ban, ngành trong tỉnh đã tổ chức cuộc thi nuôi cá giỏi
Các loại các được lựa chọn nuôi đều là những loại có giá trị kinh tế cao, cho năng suất lớn như: cá chép, cá rô phi, cá điêu hồng, cá lăng đen… Giá của các mặt hàng này luôn ở mức cao và ổn định, tạo được tâm lý tốt cho các hộ nuôi trồng. Hơn nữa, Bắc Ninh còn gần với thị trường lớn của phía bắc là Hà Nội nên việc tiêu thụ rất thuận lợi; không chỉ vậy trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều những khu công nghiệp lớn nên việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương cũng diễn ra hiệu quả.
Để ngành hàng này phát triển hơn nữa, trong thời gian tới ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt kịp thời diễn biến của thời tiết, tình hình sản xuất thủy sản tại các vùng nuôi cá lồng, nuôi cá thâm canh tập trung để hướng dẫn các hộ nuôi chăm sóc, phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản.
Ngành thủy sản Bắc Ninh định hướng phát triển bền vững, trong đó quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong các lĩnh vực con giống, thức ăn… nhằm xây dựng các vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với hình thành các chuỗi liên kết giá trị.
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh thâm canh ao đất, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học và quản lý môi trường ao nuôi. Năm 2020, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu duy trì diện tích nuôi khoảng 5.150 ha, sản lượng 39.000 tấn, giá trị sản xuất trên 1.100 tỷ đồng.
Diệu Thu