Global GAP sẽ giúp doanh nghiệp Việt đưa nông sản vươn ra biển lớn Cánh cửa tiếp cận thị trường Anh cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Anh giảm mạnh |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, nhập khẩu cà phê của Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 100,3 nghìn tấn, trị giá 424,62 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Anh giảm mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam |
6 tháng đầu năm 2021, Anh tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam, Honduras. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống 16,35% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của cà phê của Việt Nam. Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và xu hướng tiêu dùng của người dân Anh.
Hiện xuất khẩu cà phê của Việt Nam dưới dạng thô hoặc chế biến sơ, trong khi cơ cấu tiêu dùng cà phê ở Anh chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 41% thị phần, cao hơn rất nhiều so với bình quân 17% thị phần tại châu Âu.
Về dài hạn, nhập khẩu cà phê của Anh dự báo sẽ tăng trở lại. Phân khúc cà phê cửa hàng được coi là một trong những lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid-19, mức tăng trưởng bình quân dự kiến là 2,4% trong giai đoạn 2020 – 2024.
Năm 2020, Anh nhập khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam trị giá gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường Anh có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. |
Hiện việc tiêu thụ cà phê tại nhà vẫn bị chi phối chủ yếu bởi việc bán cà phê hòa tan, cà phê vỏ và cà phê xay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ, những người ngày càng quan tâm đến cà phê chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, tính bền vững về môi trường và truy xuất nguồn gốc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng cà phê Anh.
Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, có chính sách thương mại tự do và có nhu cầu nhập khẩu nông phẩm lớn. Hiệp định thương mại tự do UKVFTA được Chính phủ hai nước ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.
Để xuất khẩu cà phê sang Anh ổn định, theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại tại Anh “các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.”
Ông Cường khuyến nghị các doanh nghiệp thực hành sản xuất theo Global GAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp.
Ông Nguyễn Huy (đại diện Tập đoàn Eurofins Assurance Việt Nam và tiến sĩ nông nghiệp Hán Văn Hạnh (nghiên cứu sinh Đại học Glasgow) cũng cho rằng Global GAP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.
Đánh giá về thị trường Anh, ông John Gavin, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ thương mại Đông Nam Á (UK) khẳng định, Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu, có chính sách thương mại tự do và có nhu cầu nhập khẩu nông phẩm lớn. Tuy nhiên, thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tại thị trường Anh nhưng phải có chiến lược phù hợp để thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài tại Anh.