Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, tháng 7/2020, xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận ước đạt 37,6 triệu USD, tăng 3,84% so tháng trước đó nhờ tình hình kinh tế dần phục hồi, các doanh nghiệp tìm được hợp đồng xuất khẩu để duy trì hoạt động…
Đáng chú ý, có 2/3 nhóm hàng chủ lực của Bình Thuận tăng khá so cùng kỳ. Cụ thể, nhóm hàng nông sản đạt 1,12 triệu USD (tăng 20,92%), nhóm hàng thủy sản đạt 14,29 triệu USD (tăng gần 8%)…
Tính tổng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Bình Thuận đạt trên 252 triệu USD, giảm 0,91% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm hàng thủy sản trên 84 triệu USD (tăng 12,36%); nhóm hàng nông sản trên 7,09 triệu USD (tăng 18,24%) và nhóm hàng hóa khác là trên 160 triệu USD (giảm 7,33%).
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong những năm gần đây cho thấy ngày càng phát triển với kim ngạch năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016 đạt 350,2 triệu USD thì đến năm 2019 tăng lên 462,2 triệu USD, còn trong nửa đầu năm 2020 đạt gần 208 triệu USD. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,75%/năm.
Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân - Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu theo lộ trình và thực hiện các bước đi phù hợp đang được ngành công thương tích cực triển khai.
Hiện hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận chủ yếu tập trung vào mặt hàng có lợi thế. Đó là may mặc, thủy sản (đông lạnh, khô), nông sản (thanh long, cao su, nhân hạt điều, rau quả các loại), giày dép, đồ gỗ, phụ tùng ô tô, giấy cao cấp...
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của địa phương. Nhất là chú trọng phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến, mở rộng xuất khẩu những mặt hàng đem lại kim ngạch khá như thủy sản, may mặc, giày dép và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long, cao su… Đồng thời quan tâm triển khai công tác xúc tiến thương mại để duy trì ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
Mục tiêu đề ra vào năm 2025 là phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng xấp xỉ 40% trong cơ cấu ngành công nghiệp, nâng mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5,38%/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành sẽ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án liên quan. Đó là nghiên cứu phát triển thị trường thanh long, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài và trung tâm Logistic…
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, ngành công thương tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Ngành công thương tỉnh Bình Thuận cũng tham mưu UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo phát triển xuất khẩu, đặt trọng tâm vào các mặt hàng nông sản như cao su, thanh long và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác sẽ phối hợp các sở, ngành triển khai giải pháp giữ vững thương hiệu “Nước mắm Phan Thiết”, “Thanh long Bình Thuận”… Đối với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thì tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Hướng đến quảng bá hiệu quả thương hiệu, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, Bình Thuận cũng xác định các thị trường trọng điểm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và gia tăng kim ngạch. Như xuất sang thị trường châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Qatar, Ấn Độ…) là các mặt hàng may mặc, giày dép, hải sản khô và đông lạnh, nước mắm, đồ gỗ, giấy, hạt điều nhân, thanh long, rau quả... Với châu Mỹ thì tăng cường xuất khẩu hải sản đông lạnh, nhân hạt điều, giấy, giày dép hoặc các phụ liệu giày dép đến thị trường Mỹ, Colombia, Uruguay, Panama. Trong khi thị trường châu Phi duy trì xuất khẩu mặt hàng hải sản đông lạnh và giày dép sang Ai Cập, Kenya...
Linh Anh