Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tốc ngay tháng đầu năm, đạt 1,5 tỷ USD Xuất khẩu gỗ và lâm sản đặt mục tiêu 18-20 tỷ USD vào năm 2025 Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ ước đạt trên 15,6 tỷ USD |
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp đà tăng mạnh |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 02/2022, mặc dù hoạt động xuất khẩu bị chững lại trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng, ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với tháng 02/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 856 triệu USD, tăng 20,6% so với tháng 02/2021
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, năm 2022 có nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng.
Bên cạnh đó, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua các tháng năm 2021 – 2022
(ĐVT: Tỷ USD)
Nguồn: Số liệu ước tính tháng 02/2022 của Tổng cục Hải quan; |
Dự báo triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng năm 2022, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra từ 17,5-18 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được.
Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ USD; đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD; dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ USD; gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Đặc biệt, các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm gỗ và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất- ngoại thất) có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ quốc tế về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.
Được biết, ngay khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp hội viên Viforest đã có các đơn hàng mới dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng chi phí logistics, giá container và nguyên vật liệu đang giữ ở mức cao cũng như thiếu chủ động nguồn cung gỗ nguyên liệu vẫn là câu chuyện làm “đau đầu” các thương nhân ngành gỗ.
Nhằm giảm rủi ro về logistics, Chủ tịch Viforest đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở cảng biển, đội tàu, dịch vụ cung cấp container, không để tình trạng lệ thuộc của lĩnh vực này quá lớn vào một số quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên kiên định với mục tiêu giảm rủi ro trong nguồn cung gỗ nhiệt đới NK và trong gian lận thương mại. Ngành gỗ nên được coi là một trong những ngành ưu tiên để thực hiện triệt để mục tiêu này, không chỉ bởi ý nghĩa về mặt kinh tế ngành mang lại, mà còn có ý nghĩa về xã hội và môi trường của ngành.
“Kiến nghị các cơ quan tham tán tại các thị trường chính (Mỹ, EU, Anh…) NK đồ gỗ từ Việt Nam tiếp tục theo sát, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình đầu NK, thị trường, khách hàng cho DN XK trong nước để giảm thiểu các nguy cơ rủi ro đang tiềm ẩn”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.