Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 20/8 của Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2020 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 29,6% so với tháng 7/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 908 triệu USD, tăng 40,5% so với tháng 7/2019.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ tăng trưởng 7,6%
Với giá trị 1,13 tỷ USD, đây là tháng đầu tiên trong năm nay mà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị hơn 1 tỷ USD/tháng. Không những thế, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 đã vượt qua mốc lịch sử về giá trị xuất khẩu trong 1 tháng mà ngành gỗ đã đạt được vào tháng 12/2019 với 1,11 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2020 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,17 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kì năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kì năm 2019.
Có thể thấy, từ tháng 5/2020 nhiều thị trường đã nới lỏng lệnh giãn cách và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên, vì vậy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6 và 7/2020 đã tăng trưởng trở lại.
Theo Bộ Công Thương những yếu tố chính đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 2 tháng qua đó là trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hầu như không bị gián đoạn hay bị phong tỏa và ngừng hoạt động.
Trong khi đó nhiều thị trường sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới như Trung Quốc và Đức, Italy…bị gián đoạn sản xuất.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang khiến các nhà nhập khẩu Mỹ phải chuyển hướng tăng nhập khẩu từ các thị trường khác, trong đó Việt Nam là thị trường được các nhà nhập khẩu Mỹ quan tâm.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trực tuyến cũng giúp các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm từ nhiều thị trường.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng sự tăng trưởng chủ yếu nằm 2 nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất và gỗ ván ghép thanh
Mặc dù, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ tăng trưởng 7,6%, nhưng sự tăng trưởng chủ yếu nằm 2 nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất và gỗ ván ghép thanh.
Còn với gỗ dán, lượng xuất khẩu cũng đã suy giảm gần một nửa, khi Mỹ khởi kiện chống lẩn tránh thuế, trong khi Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá. Thậm chí, với các mặt hàng dăm gỗ, viên nén, nguyên liệu mức suy giảm còn khoảng 80%.
Đầu ra giá giảm sâu, thậm chí tắc nghẽn khiến doanh nghiệp tìm hướng các thị trường ngách, đồng thời phải điều chỉnh giá mua đầu vào. Tuy nhiên khi giá đầu vào điều chỉnh giảm đến 15% - 20%, người nông dân không có động lực để xẻ cây ra bán. Điều này khiến không ít doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu đầu vào.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cần tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng và doanh nghiệp, từ đó, quy hoạch lại đầu ra cho cây gỗ.
Ngoài ra, một giải pháp cốt lõi để tăng giá trị cho cây gỗ là khắc phục chất lượng cây giống từ đó có thể tăng giá bán. Nâng cao các tiêu chuẩn là một trong các giải pháp để đa dạng hóa đầu ra.
Chất lượng gỗ tốt, sản phẩm từ cây gỗ sẽ được cải thiện, giá đầu ra cho cây gỗ cũng sẽ cao hơn, từ đó thu nhập của người dân cũng tăng lên. Như vậy, nguồn cung nguyên liệu ngành gỗ mới ổn định trong dài hạn.
Yên Thư