Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo ước tính, trong tháng 7/2020 xuất khẩu chè đạt 12 nghìn tấn, trị giá 19 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và giảm 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2020 ước đạt 1.583,3 USD/tấn, giảm 18,2% so với tháng 7/2019.
Lũy kế từ đầu năm 2020 đến hết tháng 7/2020 xuất khẩu chè ước đạt 70 nghìn tấn, trị giá 110 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.570,8 USD/ tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu chè tăng về lượng nhưng giảm về trị giá trong 7 tháng đầu năm 2019
Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành chè xuất khẩu của Việt Nam khó phục hồi trong nửa cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Dịch Covid-19 vẫn bùng phát và lan rộng tại nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường lớn như Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, các thị trường khác không ký được hợp đồng mới, các hợp đồng đã ký trước đây được yêu cầu giảm giá và hoãn thời gian giao nhận hàng và thậm chí hủy hợp đồng.
Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan đạt 15,4 nghìn tấn, trị giá 29,2 triệu USD, giảm 10,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là thị trường Đài Loan đạt 7,3 nghìn tấn, trị giá 11,5 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 12,7% về trị giá; Trung Quốc đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 5,3 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2020 xuất khẩu chè tới các thị trường như Nga, Indonesia, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất và Ukraina tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu của Việt Nam khó phục hồi trong nửa cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước hiện có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.
Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị 500 - 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu.
Để ngành chè phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, phải thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, chủ động đầu tư công nghệ, nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn, đáp ứng những thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Thời gian tới, xuất khẩu chè được dự báo khả quan hơn nhờ mức tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chè vì sức khỏe như chè xanh, chè thảo dược trước các diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Mai Quỳnh