Kim ngạch có thể đạt mức kỷ lục mới 5 tỷ USD trong năm nay. |
Xuất khẩu cà phê đã vượt mức mong đợi
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 438.000 tấn cà phê, thu về 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỷ USD chỉ sau 2 tháng.
Phía sau kim ngạch đạt kỷ lục trong thời gian ngắn, đáng chú ý là giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân là 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước đó và tăng mạnh 50,6% so với tháng 2-2023.
Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến.
Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Song giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê chỉ thấp hơn mặt hàng thủy sản 22 triệu USD.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI không chỉ nhờ vào vốn và công nghệ mà còn do khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn. Ông cũng chỉ ra thách thức về vốn đối với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh giá cà phê tăng cao, làm lộ rõ hạn chế trong khả năng mua sắm nguyên liệu so với năm trước.
Câu chuyện của ngành cà phê Việt Nam không chỉ là về sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng và giá trị xuất khẩu mà còn là sự chuyển mình trong cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Sự đầu tư và phát triển bền vững từ cả doanh nghiệp trong nước và FDI đang mở ra những cơ hội mới, đồng thời đặt ra những thách thức trong việc cân bằng lợi ích và tối ưu hóa nguồn lực. Việt Nam đang trên đà khẳng định mình là một cường quốc cà phê không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu.
Khó dự đoán xu hướng giá cà phê sắp tới
Lý giải nguyên nhân khiến giá cà phê Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho hay thông thường sau vài phiên giá cà phê trên sàn giảm thì sẽ tác động đến giá cà phê nội địa.
Về lý do cà phê tăng giá phi mã, Chủ tịch Vicofa nói rằng do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính.
Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.
Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.
Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Về xu hướng giá cà phê sắp tới, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng rất khó dự đoán. Cũng như trước đây, không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến 92.000 đồng/kg như hiện nay.
"Tuy nhiên, một điều chắc chắn là giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao" - Chủ tịch Vicofa khẳng định.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu cà phê năm nay, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp thuộc Top 3 xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, cho rằng kim ngạch có thể đạt mức kỷ lục mới 5 tỷ USD trong năm nay.
“Chúng ta đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD”, ông Huy nói.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu đà tăng mạnh kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.
Điều này đồng thời khiến giá trong nước và giá xuất khẩu đều tăng mạnh. Tính đến ngày 11/3, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trung bình quanh mốc 91.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm cách đây một năm.
“Mức giá hiện nay là rất cao. Điều này là tin vui cho người nông dân nhưng lại “mệt” cho các nhà rang xay và xuất khẩu. Chúng tôi có những đơn hàng xuất khẩu ký từ tháng 7/2022 chốt giá 48.000 đồng/kg và giao trong vòng 1 năm rưỡi. Nhưng có thời điểm chúng tôi phải thu mua cà phê từ người dân với mức giá lên lên 92.000 đồng/kg thì mọi người có thể tưởng tượng được là đơn hàng đó lỗ đến mức nào”, ông nói.