Sở NN&PTNT, vụ xuân 2020, sản xuất lúa giống có nguồn gốc từ Nhật Bản (Japonica) tại khu vực ngoại thành Hà Nội đã thành công cả về diện tích, năng suất và chất lượng; bình quân đạt 31 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa chất lượng Bắc thơm số 7 từ 14 đến 15 triệu đồng/ha.
Trong quá trình chăm sóc lúa, nông dân không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ có độ độc hại cao...), vừa bảo đảm chất lượng gạo, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường...
Việc đưa lúa giống có nguồn gốc từ Nhật Bản vào sản xuất là hướng đi mới trong nỗ lực tái cơ cấu của ngành trồng trọt bởi tạo được loại gạo chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trên cơ sở thành công này, trong năm 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Gạo Japonica Mỹ Thành” (huyện Mỹ Đức) và “Gạo Japonica Nam Phương Tiến” (huyện Chương Mỹ), làm tiền đề xây dựng nhãn hiệu tập thể cho gạo Japonica ở các huyện khác như: Ứng Hòa, Sóc Sơn…
Mô hình trồng lúa Japonica
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc xây dựng phát triển vùng trồng lúa Japonica nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và yêu cầu xuất khẩu, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể, Trung tâm sẽ đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất lúa hàng hóa Japonica. Tập huấn cho nông dân, giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất lúa Japonica an toàn, hiệu quả nhằm thực hiện tốt kế hoạch. Xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất lúa Japonica hữu cơ tại Hà Nội và lựa chọn được giống lúa có năng suất, chất lượng để bổ sung vào bộ giống lúa Japonica.
Xây dựng được 25-30 vùng sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, với tổng diện tích là 1.920 ha (160 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ; 300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam; 1.460 ha sản xuất lúa chất lượng an toàn). Xây dựng được hai chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica; 4 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật lúa, gạo Japonica và 2 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica.
Đồng thời chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện cùng các địa phương kiểm tra, rà soát, lựa chọn các Hợp tác xã tham gia thực hiện kế hoạch.
Tổ chức Hội nghị triển khai và ký hợp đồng với các Hợp tác xã được lựa chọn để thực hiện kế hoạch. Xây dựng chặt chẽ với các đơn vị trong ngành, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế các huyện, xã, Hợp tác xã tham gia để tổ chức triển khai, chỉ đạo sản xuất. Tổ chức tập huấn quản lý, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cho cán bộ và nông dân các điểm thực hiện mô hình.
Thường xuyên kiểm tra sản xuất và sâu bệnh từ đầu vụ, kết hợp chặt chẽ với cán bộ cơ sở (xã, Hợp tác xã) hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc về quản lý, kỹ thuật cho địa phương.
Giao Trạm thực nghiệm cây trồng chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan lựa chọn địa điểm, triển khai kế hoạch hợp lý, đúng tiến độ đề ra; Phòng Tổ chức Hành chính bố trí phương tiện phục vụ chọn điểm, chọn hộ, nghiệm thu, kiểm tra theo tiến độ công việc.
Yêu cầu Trạm Thực nghiệm cây trồng phối hợp với các phòng chức năng của Trung tâm, các đơn vị có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Gạo Japonica được sản xuất từ giống lúa Nhật có sức đề kháng cao, ít bị sâu bệnh. Vì vậy loại gạo này rất được mọi người tin dùng vì độ an toàn.
Gạo Japonica mang đặc trưng: Hình dạng tròn đều, trắng, bóng mẩy và có hương thơm tự nhiên từ hạt gạo.
Gạo Japonica rất giàu chất chống oxy hóa và các loại khoáng chất tốt cho sức khỏe như manesium, selenium,… Các khoáng chất này có tác dụng tái tạo lại năng lượng protein và tinh bột. Cân bằng lượng đường trong máu, tăng sức đề kháng. Vậy nên, loại gạo này rất tốt cho bệnh nhân bị bệnh gan, hen suyễn, huyết áp thấp và bệnh liên quan đến tim mạch.
Hà Linh