Năm nay, gia đình chị Đinh Thị Hóa có một vụ sầu riêng bội thu, hiện thương lái đã trả 1,1 tỷ đồng. |
Rời thủ đô lên Tây Nguyên bén duyên với sầu riêng
Năm nay, vườn sầu riêng 2ha của chị Hóa trái sai trĩu cành. Thời điểm này du trái còn xanh nhưng thương lái đã liên hệ hỏi mua với giá 1,1 tỷ đồng. Không phải chỉ có năm nay nhu cầu xuất khảu cao, sầu riêng mới có giá, mà năm nào cũng vậy, vườn sầu riêng nhà chị Hóa luôn hút hàng, được giá. Đó là thành quả từ việc áp dụng quy trình canh tác sầu riêng bằng phương pháp sinh học.
Một điều khá đặc biệt là chị Đinh Thị Hóa không phải người dân gốc ở đây. Chị quê ở Hà Nội, từ 20 năm trước cùng gia đình chuyển vào Đạ Rsal lập nghiệp. Theo lời chị kể, lúc bấy giờ, cũng như bao nông hộ khác nơi đây, gia đình chị chọn cây cà phê để canh tác.
Chị Hóa tìm tòi và học hỏi phương pháp trồng sầu riêng an toàn sinh học nên cho hiệu quả kinh tế cao. |
Tuy nhiên, với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên vườn cà phê cho thu nhập không ổn định. Vậy là chị quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng khác. Qua tìm hiểu, chị thấy một số hộ trong vùng trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn mua 100 cây giống về trồng thử. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên năng suất thấp, vậy là chị lại đi học hỏi và chuyển sang trồng theo phương pháp sinh học.
“Từ khi sử dụng chế phẩm sinh học giúp cây sầu riêng tăng cường sức đề kháng, hạn chế khả năng nhiễm các loại sâu, bệnh, tăng tỷ lệ đậu hoa và quả, hạn chế hiện tượng rụng quả sinh lý, đồng thời, giảm lượng phân bón nên tiết kiệm chi phí. Không những vậy còn hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó, vườn sầu riêng của gia đình tôi tăng năng suất, được thương lái thu mua từ khi chưa đến kỳ thu hoạch bởi sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, hiệu quả kinh tế cũng gấp nhiều lần so với trồng cà phê trước đây”, chị Hóa cho biết.
Thành tỷ phú từ mô hình canh tác sâu riêng sinh học
Với 90 cây sầu riêng đang cho quả, từ khi chuyển sang trồng theo phương pháp sinh học, mỗi cây trong vườn của chị Hóa cho khoảng 2 tạ quả. Với giá được thương lái thu mua tận gốc 75.000 đồng/kg, vườn sầu riêng của chị mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Hiện, gia đình chị đang trồng thêm 200 cây, với giá ổn định như hiện tại thì vài năm nữa sẽ cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Từ trồng cà phê kém hiệu quả, vườn sầu riêng Thái Dona theo hướng sinh học đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình chị vươn lên khá giả, chăm lo cho hai người con ăn học đến nơi đến chốn và nay đã có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ vậy, vườn cây của chị còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương.
Chị cũng sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng theo phương pháp sinh học cho nông dân trong vùng để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Là người luôn quan tâm đến môi trường, chị Hóa kết hợp trồng sầu riêng với trồng rừng khi vừa trồng thêm các loại cây như gỗ hương, cẩm, sao... để vừa giữ nước, tạo độ ẩm cho vườn sầu riêng, đồng thời, vừa đảm bảo hệ sinh thái rừng.
Trên địa bàn xã Đạ Rsal có khoảng 760ha trồng sầu riêng và dự kiến tăng lên 1.000 ha vào năm 2025. |
Cùng với vườn sầu riêng của chị Hóa, vùng đất Đạ Rsal hôm nay đang dần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Trong đó có nhiều người trở thành “tỷ phú” từ trồng sầu riêng. Vùng đất hoang hóa, hoang sơ ngày nào giờ đã trở thành vùng đất canh tác màu mỡ, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Đạ Rsal được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường.
Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal Đỗ Hoàng Nhân cho hay, hiện, trên địa bàn xã có khoảng 760ha trồng sầu riêng, là loại cây ăn quả chiếm diện tích lớn của xã, cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trong đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng thay cho các vườn cà phê già cỗi kém năng suất trước đây.
Xác định đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, theo lộ trình đến năm 2025, xã Đạ Rsal sẽ mở rộng diện tích canh tác sầu riêng lên 1.000 ha, đồng thời, chú trọng về kỹ thuật trồng, chăm sóc để nâng cao chất lượng của loại cây ăn quả dài ngày này. Cách trồng sầu riêng theo hướng an toàn sinh học của chị Hướng cũng như nhiều nông dân ở Đạ Rsal sẽ góp phần nâng cao chất lượng sầu riêng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Kỳ vọng cây sầu riêng sẽ mở hướng làm giàu bền vững để nông dân thoát cảnh bấp bênh "được mùa rớt giá"./.