Đến với Bắc Hà (Lào Cai), du khách không thể bỏ qua món ăn thịt gà đen. Đây là loại gà bản địa do đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà, đặc biệt là dân tộc Mông nuôi ở các bản làng. Thời gian gần đây, giống gà quý này được một số người dân bảo tồn, và phát triển kinh tế nhờ giống gà này.
Giống gà đen H’Mông bản địa do đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà
Được biết, gà đen thuộc nhóm gà thuốc có da đen, thịt đen, xương đen, phủ tạng đen và xuất xứ từ các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Ngoài ra, giống gà này được nhiều nơi ưa chuộng, nhiều người muốn nuôi làm nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng phục vụ gia đình.
Bên cạnh đó, trên trên các diễn đàn, facebook những người đam mê giống gà đen vùng cao còn thành lập nhóm mang tên Hiệp hội người nuôi gà Mông Việt Nam, thu hút hàng nghìn người tham gia, qua đó giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm nuôi gà đen vùng cao.
Bắt nhịp với nhu cầu của thị trường, gia đình anh Sùng Quân ở thôn Dì Thàng 2, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai đã tiên phong đầu tư, phát triển hàng nghìn con gà đen. Theo anh Quân, gà đen vùng cao Bắc Hà là giống gà quý, nhưng thời gian qua, bà con vùng cao thường nuôi rải rác ở các bản làng, nuôi chung với gà ta, gà chọi, nên hay bị lai tạo. Vì thế, những con gà đen thuần chủng ngày càng ít đi.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của đàn gà này khác với những giống gà anh đã gặp là con nào thân hình cũng đen nhánh như than, từ chân tới mỏ, mắt, thậm chí cả mào. Có những chú gà màu lông trắng như tuyết, nhưng dưới lớp lông ấy da thịt lại hoàn toàn màu đen.
Gia đình anh Quân phát triển kinh tế nhờ giống gà đen H’Mông
Anh Quân cho biết: “Đây là giống gà đen có nguồn gốc từ các bản làng vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, do đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Mông nuôi từ lâu. Gà trống khi trưởng thành nặng từ 2 đến 3 kg, gà mái từ 1,5 đến 2 kg, tuy màu lông khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung dễ phân biệt với gà thường là da đen, thịt đen, xương đen, thậm chí khi mổ ra, nội tạng cũng có màu đen. Thịt gà đen vùng cao không chỉ săn chắc, thơm ngon hơn hẳn các giống gà khác, mà còn giàu dinh dưỡng, thường được dùng để tẩm bổ cho trẻ em còi xương, phụ nữ sau khi sinh, nên hiện nay được coi là đặc sản, được nhiều người săn tìm. Mặc dù giá gà đen bán ở các chợ phiên hiện nay rất cao, từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg, về thành phố Lào Cai giá gà đen lên tới 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi gà thường, nhưng nhiều người tìm mua mà không có…”.
Trước đó, giống gà H’Mông đã được nuôi bảo tồn tại Viện Chăn nuôi năm 2000 và đến năm 2012 được đưa vào chương trình nuôi giữ giống gốc tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, gà thích ứng tốt với điều kiện chăn thả và nuôi nhốt có kiểm soát.
Theo chia sẻ của Thạc sỹ Nguyễn Thị Mười, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn giống vật nuôi với báo chí, gà H’Mông giờ trở thành món ăn phổ biến tại nhiều nhà hàng, quán lẩu, quán gà tần thuốc bắc, thậm chí trở thành món ăn chính trong tiệc cưới do người dân không còn kiêng kị gà đen nữa.
Gà H’Mông là giống bản địa kiêm dụng nên nuôi sinh sản khai thác trứng hoặc khai thác thịt đều được. Nuôi sinh sản, tuổi đẻ 5% khi gà được 150 - 154 ngày tuổi, khối lượng cơ thể lúc 19 tuần tuổi trống: 1,7 - 1,75kg và mái: 1,2 - 1,3kg. Năng suất trứng gà H’Mông đạt 110 - 115 quả/mái/năm, khối lượng trứng giống 46g, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn 3,4 - 3,5kg/10 trứng.
Với gà H’Mông nuôi thịt, thời gian nuôi khoảng 15 tuần, tỷ lệ nuôi sống 93 - 94%, khối lượng gà mái 1,1 - 1,2kg, trống đạt 1,4 - 1,5kg, tiêu tốn thức ăn 3,4 - 3,5kg/kg tăng trọng.
Giá gà H’Mông năm 2019 dao động 65.000 - 100.000 đ/kg và ổn định ở mức 75.000 đ/kg, nếu là gà nuôi thả vườn giá trên 90.000 đ/kg. Nuôi gà H’Mông thực sự đang trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Bình Nguyên