Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không làm khó người dân vay vốn sản xuất lúa gạo Giá gạo hiện “không quá lo lắng”, nông dân vẫn có lời Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xanh, hướng tới thị trường cao cấp |
![]() |
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Tiến Thuận (Cần Thơ) giới thiệu với cán bộ Agribank về những ưu điểm khi trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh Agribank |
Lúa gạo Việt Nam trước thách thức chuyển đổi xanh
Ngành lúa gạo không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 9 triệu tấn gạo, thu về 5,66 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức về môi trường đang hiện hữu khi canh tác lúa chiếm tới 48% tổng phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp, trong đó metan (CH₄) chiếm hơn 75% – loại khí có tác động mạnh gấp nhiều lần so với CO₂.
Trước thực trạng đó, các mô hình sản xuất phát thải thấp như kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD), xử lý rơm rạ thay vì đốt, đang cho thấy hiệu quả rõ rệt: vừa giảm phát thải, tiết kiệm nước, vừa nâng cao năng suất. Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định hiệu quả mô hình phụ thuộc lớn vào điều kiện thủy lợi và địa hình. “Ngay cả khi chỉ áp dụng được 50-70% quy trình kỹ thuật nhưng có hiệu quả giảm phát thải thì cũng nên được khuyến khích”, ông nhấn mạnh.
Chiến lược dài hạn của ngành hiện nay là triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Ông Lê Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam – đánh giá đây là bước đi chiến lược, mang tính khả thi cao. Tuy vậy, sau một năm triển khai, vẫn còn nhiều thách thức: chuỗi giá trị thiếu đồng bộ, doanh nghiệp tiêu thụ tham gia chưa sâu, quy mô mô hình còn hạn chế, thiếu công cụ đo lường phát thải, khó tiếp cận thị trường tín chỉ carbon.
Tại Hội thảo quốc tế ngày 19/5 ở Hà Nội, các chuyên gia IRRI, GIZ, ISPAE đều khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong chuyển đổi xanh ngành lúa gạo. TS. Jongsoo Shin – Giám đốc khu vực châu Á của IRRI – nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển các mô hình lúa xanh, đáp ứng mục tiêu kép: giảm phát thải và nâng cao sinh kế nông dân.
Từ mô hình thí điểm đến hiện thực hóa một triệu ha lúa xanh
![]() |
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. |
Hiện nay, những mô hình canh tác bền vững như mô hình SRI, AWD, quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng phân bón hiệu quả đang giúp tiết kiệm nước, giảm giống gieo sạ 70–90%, nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Đề án 1 triệu ha đặt mục tiêu đến năm 2030 mở rộng 820.000 ha lúa phát thải thấp, giúp tiết kiệm khoảng 9.500 tỷ đồng, giảm 30% chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận 50% và giảm 10% phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, một bài toán khó được đặt ra là xử lý lượng rơm rạ lên tới 24 triệu tấn/năm tại vựa lúa miền Tây – trong đó chỉ 30% được thu gom, phần còn lại gây ô nhiễm nếu bị đốt hoặc vùi không đúng cách. IRRI giới thiệu giải pháp máy trộn rơm rạ công suất cao, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn bằng cách biến rơm rạ thành năng lượng sinh khối hoặc phân bón hữu cơ, tạo giá trị gia tăng.
Tại Bạc Liêu – một trong những địa phương triển khai sớm đề án – hiện đã có 40.000 ha lúa phát thải thấp. Trong năm 2025, tỉnh dự kiến phát triển thêm 20.000 ha. Theo ông Phạm Văn Mười – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, sản xuất xanh không chỉ nâng giá trị hạt gạo mà còn mở ra cơ hội lớn cho nông dân trong thị trường tín chỉ carbon. “Nếu giá trị gạo tăng gấp đôi nhờ phát thải thấp, đây sẽ là đòn bẩy phát triển đột phá cho ngành hàng lúa gạo”, ông nói.
Tại Cần Thơ, Hợp tác xã Tiến Thuận triển khai 50ha lúa phát thải thấp đã đạt hiệu quả tích cực, mở rộng thêm 20ha trong niên vụ mới. Kết quả này thể hiện tính khả thi của mô hình và cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ nếu có chính sách đồng hành phù hợp.
Để nhân rộng mô hình, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức nông dân, đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi và giao thông nông thôn. Sự vào cuộc của doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu là mắt xích quan trọng tạo thị trường ổn định. Ngoài ra, việc xây dựng công cụ minh bạch để xác nhận giảm phát thải là điều kiện cần để Việt Nam bước vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.