Trái vú sữa Hoàng Kim được trồng ở An Giang có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu. |
Vú sữa dễ trồng nhanh thu hồi vốn
Một trong những nhà vườn trồng vú sữa Hoàng Kim cho hiệu quả kinh tế cao là anh Lương Văn Trung (ngụ ấp Hòa Phú, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Dù mới biết tới loại trái cây đặc sản, nhưng chỉ sau 2 năm trồng vườn cây đã cho trái ngọt. Vườn vú sữa của gia đình anh Trung rộng 8.00m2 được chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả.
Anh Trung cho biết, từ trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình đang thu hoạch trái, mỗi ngày hơn 300kg. Đây là giống cây trồng mới, trái đẹp mắt, vị ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Nhưng anh Trung chỉ bán cho bạn hàng ở chợ Định Thành, Núi Sập và khách đặt hàng trước, do không đủ số lượng. Anh Trung cho hay, giá bán cao nhất có thời điểm lên đến 150.000 đồng/kg. Hiện, đang là thời điểm rộ trái, nên giá bán còn 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Từ một nông dân trồng lúa, anh Lương Văn Trung đã chuyển đổi sang trồng vú sữa Hoàng Kim, sau 2 năm đã thu trái ngọt. |
Khi hỏi về bí quyết trồng vú sữa, anh Trung cho rằng "chỉ làm chơi mà ăn thật" vì kỹ thuật trồng vú sữa Hoàng Kim cũng dễ áp dụng. Bản thân anh Trung vốn chỉ quen trồng lúa. Rồi thấy người ta trồng vú sữa thì học hỏi và áp dụng.
"Tôi mua gần 400 cây giống ở tỉnh Bến Tre, với giá 150.000 đồng/cây. So với nhiều giống cây trồng khác, cây giống vú sữa hoàng kim có giá khá cao, được nhà vườn ươm từ hột, cao khoảng 0,1 - 0,2m. Khi mua về, tôi dưỡng cây thêm 1 tháng cho phát triển tốt rồi mới trồng xuống đất”, anh Trung chia sẻ.
Đất được anh Trung cải tạo tơi xốp và đắp mô cao. Sau khi cải tạo đất (cày ải toàn bộ đất ruộng, vun cỏ và đắp mô đất làm luống, móc mương…) tốn chi phí trên 4 triệu đồng/1.000m2. “Theo tôi, chi phí đầu tư không quá tốn kém so với nhiều loại cây trồng khác. Quá trình trồng, tôi chỉ bón phân hữu cơ và phân chuồng. Theo tìm hiểu, cây vú sữa hoàng kim trồng bằng phân hữu cơ, phân chuồng cho trái chất lượng, rất ngọt. Qua thu hoạch, tôi thu về hơn 60 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, khoảng 1 vụ nữa là tôi thu hồi vốn” - anh Trung chia sẻ.
Trăn trở tìm thị trường tiềm năng cho vú sữa Hoàng Kim
Vú sữa Hoàng Kim là loài thân gỗ cao gần 5m, tán rộng, ưa nước, cần độ ẩm cao, trái vàng bóng và ít hạt. Đây là trái cây có xuất xứ Đài Loan. Trái non có màu xanh, khi chín mang “lớp áo” màu vàng tươi. Không giống các loại vú sữa khác chỉ cho trái 1 vụ, vú sữa hoàng kim cho trái quanh năm, nhẹ công chăm sóc, rất ít sâu bệnh. Trung bình mỗi năm, vú sữa Hoàng Kim cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 1-2 tháng. Cây càng lớn sẽ cho năng suất càng cao.
Sau 2 năm, vườn vú sữa Hoàng Kim của anh Trung đã cho những trái vú sữa vàng óng rất đẹp mắt. Anh Trung chia sẻ, từ khi cây ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 tháng. Quá trình đó, chỉ cần theo dõi tưới nước thường xuyên và tuyển bớt trái trên cành để dưỡng chất nuôi trái. Cây vú sữa hoàng kim ít bệnh, nhưng thời điểm ra hoa thường xuất hiện bệnh rệp sáp, chỉ cần phun xịt đúng cách sẽ khỏi.
Mỗi cây, anh Trung để khoảng 20kg trái. Việc để trái sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của cây. Theo đó, trái vú sữa Hoàng Kim loại 1 đạt từ 2-3 trái/kg, loại 2 từ 4-5 trái/kg. Đặc biệt, trái vú sữa Hoàng Kim chỉ mọc trên cành, tách biệt hoàn toàn với lá. Để trái đạt chất lượng, anh Trung chỉ giữ mỗi cành từ 1-2 trái.
Để trồng vú sữa Hoàng Kim, tốt nhất cần chọn những giống cây khỏe, xanh tốt, thân thẳng đứng. Vào mùa khô, mùa nắng nóng, nhất là thời điểm trái đang lớn, sắp chín, cần tưới nhiều nước. Nếu thiếu nước trái sẽ nhỏ, nếu khô quá sẽ làm cho trái xanh bị rụng, giảm năng suất.
Trồng vú sữa Hoàng Kim không khó, nhưng băn khoăn của nhà vườn là tìm kiếm các thị trường tiềm năng. |
Băn khoăn hiện nay của anh Trung là làm thế nào đưa trái cây này tiếp cận thị trường tiềm năng như TP. Hồ Chí Minh. Vì nếu bán quanh quẩn trong địa phương, vú sữa Hoàng Kim vừa mất giá, vừa không đảm bảo đầu ra.
Anh Trung cũng nhận định: Hiện, vú sữa hoàng kim chưa được trồng phổ biến, nên thu hút người mua. Nhưng với thế mạnh là dễ trồng, năng suất cao, thời gian tới sẽ có nhiều người trồng cây ăn trái này. Khi nguồn cung vượt cầu thì giá trị ban đầu của loại trái này sẽ giảm. Đó là tình trạng “được mùa mất giá” chung của nhiều loại trái cây hiện nay. Hy vọng, chính quyền địa phương sẽ có định hướng trong chuyển đổi cây trồng để người nông dân an tâm về đầu ra của sản phẩm.
“Có tên là “Hoàng Kim” nên loại vú sữa này rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là dịp Tết hay những ngày rằm. Điều tôi quan tâm là cách xử lý để cây cho trái theo ý muốn. Đợt này, cây cho trái trước và sau Tết Nguyên đán, giá bán dù cao nhưng không như ý. Tôi đang học cách xử lý cây cho trái ngay dịp Tết để phục vụ nhu cầu chưng Tết những năm tiếp theo” - anh Trung tự tin cho biết thêm.
Với hiệu quả bước đầu, mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim của anh Lương Văn Trung sẽ tạo tiền đề cho địa phương nhân rộng loại cây trồng đầy triển vọng này nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Với đặc tính dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, vú sữa Hoàng Kim đang trở thành cây trồng tiềm năng, mở ra triển vọng tăng thu nhập cho nông dân./.