![]() |
Tại Việt Nam, quả chanh xuất hiện ở mọi vùng miền và cách sử dụng phổ biến nhất là vắt lấy nước. Nước cốt chanh có thể dùng trong chế biến các món ăn, làm gia vị chấm hoặc pha đồ uống. Khi lấy nước cốt xong, các bộ phận khác như vỏ chanh, hạt chanh, múi chanh phía trong đa số đều bị vứt vào sọt rác. Không chỉ có nước cốt, vỏ và cùi chanh… đều có lợi ích với cơ thể nếu biết tận dụng, các chuyên gia cho rằng việc vứt bỏ vỏ chanh là quá lãng phí.
ThS.lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho rằng, đây là cách ăn chanh rất phí của người Việt, đang bỏ đi một vị thuốc, nguồn dược liệu quý mà không hề hay biết. Vị lương y này cho rằng, nhiều người dù biết vỏ chanh tốt nhưng lại ngại chế biến để làm thuốc nên vứt đi. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.
“Vỏ chanh có thể dùng ăn trực tiếp, có thể thái nhỏ, giã nát để cho vào cùng nước cốt, làm gia vị để chế biến món ăn. Không nhất thiết phải sao vàng, sắc thành nước uống”, lương y Trung cho hay.
Công dụng của vỏ chanh đối với sức khỏe
![]() |
Chống ung thư
Trong vỏ chanh có 22 hợp chất có tác dụng chống ung thư, điển hình là: Salvestrol Q40 và Limonene - 2 hợp chất kháng ung thư hiệu quả có nguồn gốc tự nhiên.
Salvestrol chuyển hóa chất CypB1 - enzym đặc trưng có trong tế bào ung thư, thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư.
Limonene có đặc tính chống oxy hóa mạnh, chống viêm và chống ung thư. Limonene có thể làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy của da, ổn định sức khỏe cho người bị ung thư đại trực tràng và cũng có tác dụng kháng ung thư ở bệnh nhân ung thư vú. Nhiều nghiên cứu cho thấy, Limonene có hiệu quả gấp hàng nghìn lần so với thuốc hóa chất Adriamycin đang được sử dụng trong điều trị ung thư. Nó chỉ tấn công tế bào ung thư mà không ảnh hưởng không ảnh hưởng lên tế bào lành, nên rất ít tác dụng phụ.
Để sử dụng được tác dụng chống ung thư này, có thể sử dụng vỏ chanh dưới hình thức đun sắc nước khoảng 20g/ngày.
Sát khuẩn
Vitamin C trong chanh có khả năng kháng khuẩn mạnh. Vỏ chanh khắc phục tình trạng chảy máu chân răng, viêm nướu, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây ra hôi miệng.
Do có tính kháng khuẩn cực cao, vỏ chanh giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm, các vi khuẩn gây hại ký sinh trên da, móng, chân tóc. Từ đó làm giảm tình trạng viêm nhiễm, nấm ngứa, đặc biệt tình trạng nấm móng mà nhiều người mắc phải. Bạn cũng có thể dùng vỏ chanh để đuổi ruồi, muỗi.
Giảm cân, giảm mỡ máu
Theo Đông y, vỏ chanh có tác dụng giảm cholesterol máu do rất giàu chất chống oxy hóa, bioflavonoid cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu khác nhau. Trong vỏ chanh có chứa một chất xơ hòa tan pectin nên sẽ làm cho bạn no lâu hơn. Thêm vào đó, hợp chất polyphenol sẽ hỗ trợ kiểm soát chất béo hiệu quả. Hãy lấy vài lát vỏ chanh và đun sôi rồi cho thêm một ít nước cốt chanh và mật ong nhằm tạo vị ngọt. Uống nước vỏ chanh đun sôi có thể ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp.
Giảm đau khớp
Vỏ chanh còn có thể cải thiện sức khỏe của xương vì chứa nhiều canxi và vitamin C, hỗ trợ duy trì mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương. Các chất chống oxy hóa trong vỏ chanh còn có thể giảm viêm, hỗ trợ kiểm soát các rối loạn tự miễn dịch, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Đơn giản là bạn có thể xoa tinh dầu vỏ chanh kết hợp với dầu oliu để giảm các cơn đau khớp cổ tay, cổ chân, đầu gối...
Giúp tóc - móng chắc khỏe, tẩy da chết
Gội đầu với vỏ chanh sẽ giúp mọc tóc nhanh và trị gàu hiệu quả. Nước đun vỏ chanh rồi trộn với dầu dừa để dưỡng móng tay, móng chân nhằm tạo độ sáng màu. Hoặc bạn có thể pha trộn hỗn hợp vỏ chanh xay, dầu oliu và đường để tẩy tế bào chết, phát huy tác dụng của vỏ chanh tươi, cho làn da trắng sáng, mềm mịn.
Vỏ chanh trong thải độc, giảm căng thẳng
Vitamin C là khoáng chất chống oxy hóa hàng đầu. Không chỉ nước chanh mà vỏ chanh cũng chứa lượng lớn vitamin C. Vỏ chanh có thể giúp kiểm soát, đẩy lùi các tổn thương ở các tế bào trong cơ thể người. Đồng thời, đẩy lùi các gốc tự do và đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể.
Chống say tàu xe
Vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, nên có thể làm dịu dạ dày đang nôn nao vì say tàu xe. Bởi tinh dầu kích thích những vùng não cao hơn, ngăn chặn cảm giác say xe. Đơn giản là hãy cầm theo 1 quả chanh khi đi tàu xe nhé.
Khử mùi hôi đồ vật gia dụng
Đặt vỏ chanh khô vào tủ lạnh, tủ gỗ... Chỉ giờ sau tủ của của bạn đã ngập tràn hương chanh. Hương chanh khử mùi hôi của tủ lạnh, đồng thời góp phần khử khuẩn cho đồ gia dụng.
Vì thế, sau khi vắt lấy nước cốt chanh, hãy giữ lại vỏ quả chanh và sử dụng với những công dụng tuyệt vời nói trên nhé.
Một số bài thuốc từ vỏ chanh
![]() |
Vỏ chanh chữa bệnh ho
Cách 1: Rễ và vỏ cây chanh 10g, vỏ rễ dâu hoặc tầm gửi cây dâu 10g, lá trắc bá 8g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200 ml nước rồi đun sôi, để cạn tới khi còn 50ml, sử dụng uống luôn trong ngày.
Cách 2: Vỏ chanh 12g, lá chua me đất hoa vàng 10g, lá hẹ 8g, lá xương sông 8g, hạt mướp đắng 5g, phèn chua 2g, 1-2 thìa đường, sắc lấy nước uống.
Vỏ chanh chữa đau răng, sâu răng
Đun nước vỏ chanh chữa đau răng bằng cách điều chế 12g vỏ chanh tươi, rễ cây cà dại 10g, vỏ cây lai 10g, vỏ cây trám 10g. Sắc lấy dung dịch cô đặc. Mỗi lần ngậm 1 ngụm trong vòng 5-10 phút rồi nhổ bỏ.
Vỏ chanh chữa cảm cúm, nhức đầu
Đun nước xông bao gồm các nguyên liệu lá chanh, vỏ chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu, mỗi thứ 50 g; bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Đun nồi nước cho tới khi sôi, mùi thơm ngào ngạt rồi xông người cho ra nhiều mồ hôi, giải cảm.
Vỏ chanh trị viêm da, lở loét
Vỏ quả chanh nghiền thành bột mịn, hòa với 1 thìa cà phê bột long não, rễ cây hoa bạch xà giã nhỏ, sau đó bôi vào vết thương.