Những hàng chanh sai trĩu quả, là địa điểm đẹp để chụp ảnh, trải nghiệm |
Nhờ nắm bắt nhu cầu thị trường, chuyển đổi cơ cấu canh tác sang mô hình trồng cây chanh bông tím đã giúp gia đình anh Hoàng Văn Hiền, thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Hiền chia sẻ về cơ duyên đến với cây chanh: “Khởi nghiệp ban đầu từ buôn mơ, khi thấy giá trị kinh tế của cây mơ đem lại nên tôi mua đất, trồng hơn 2ha cây mơ. Tuy nhiên, khoảng những năm 1996 giá mơ rẻ, tôi chuyển sang chế biến mơ. Diện tích trồng mơ lại được thay thế bằng 400 cây hồng không hạt. Thế nhưng, do tỉ lệ đậu quả của hồng không hạt không cao dù mất nhiều công chăm sóc, nên năm 2016 tôi trồng thử nghiệm 60 cây chanh bông tím có nguồn gốc từ Đà Lạt”.
Theo kinh nghiệm tự học hỏi được, ban đầu anh Hiền không chú trọng bán quả mà dưỡng cây để chiết, nhân giống. Từ 60 cây chanh ban đầu, hiện anh đã phát triển được 1.000 cây với đủ lứa tuổi và cho thu nhập ổn định 3 năm nay. Bình quân sản lượng đạt 70 – 80 tấn quả/năm, giá bán từ 10.000 đồng - 25.000 đồng/kg phụ thuộc vào từng thời điểm. Quả chanh được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Cây chanh bông tím sai quả quanh năm nên giá trị kinh tế mang lại cao so với nhiều cây trồng khác, việc tiêu thụ khá ổn định.
Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, vườn chanh bông tím của gia đình anh Hiền phát triển xanh tốt, tán rộng và ra trái sum suê. Anh Hiền chia sẻ: Ưu điểm nổi trội của chanh bông tím là thời gian thu hoạch ngắn, năng suất, sản lượng đạt cao, giá bán ổn định. Tuy nhiên, cây chanh bông tím này phải có sự chăm sóc tỉ mỉ, biết kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đúng lượng, thời điểm nếu không cây sai hoa nhưng sản lượng quả ít.
Cây chanh cho sản lượng ổn định khoảng chục năm. Để duy trì và tăng năng suất, cuối năm 2022 anh Hiền quyết định ghép chanh bông tím trên 150 cây bưởi diễn đã trồng 6 năm tuổi. Theo anh Hiền cây bưởi có tuổi thọ cao, bộ rễ khỏe, nhiều cành khi ghép chanh sản lượng cao gấp nhiều lần, tăng giá trị kinh tế.
Cùng với phát triển mô hình trồng chanh bông tím, anh Hiền còn thu mua và chế biến mơ tươi với sản lượng mỗi năm khoảng 200 - 300 tấn quả. Nhờ vậy, khi vào chính vụ tạo việc làm cho hơn 30 lao động thời vụ với thu nhập gần chục triệu đồng/tháng; duy trì việc làm ổn định cho 5 lao động, thu nhập từ 6 - 7 triệu/người/tháng.
Anh Triệu Văn Tự tiên phong trong việc đưa chanh bông tím về trồng ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp |
Là người tiên phong đưa chanh bông tím về trồng ở địa phương, hiện nay anh Triệu Văn Tự (SN 1991), dân tộc Tày ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã có nguồn thu ổn định từ loại cây trồng này.
Năm 2020, anh Tự bắt đầu trồng thử nghiệm giống chanh bông tím. Mặc dù đã học hỏi, trải nghiệm từ những vườn trồng lớn nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, anh cũng gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian kiên trì theo đuổi, anh đã rút kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế của cây trên vùng đất mới và bắt đầu nhân rộng mô hình.
Hiện anh Tự trồng hơn 400 cây chanh bông tím trên diện tích 0,4 ha. Chanh bông tím trồng khoảng 18 tháng là có thể thu hoạch nhưng để cây khỏe, năm thứ 3, anh mới bắt đầu thu hoạch trái. Vụ đầu tiên, anh thu hơn 4 tấn chanh với giá bán 12 ngàn đồng/kg và dự kiến vụ thứ 2 thu khoảng 13-14 tấn nếu chăm sóc tốt.
Anh Tự cho biết: Chanh là loại cây gia vị, vào những tháng mùa khô, nhu cầu của người tiêu dùng nhiều nên giá bán cao. Vì vậy, tôi cố gắng xử lý ra bông tập trung để thu hoạch trái trúng vụ. Để chanh bông tím ra trái theo mùa một cách tự nhiên, người trồng phải biết kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đúng lượng, đúng thời điểm.
Anh Tự nhấn mạnh: Muốn cây phát triển tốt phải xử lý từ giai đoạn trồng, trồng thẳng hoặc trồng nghiêng tùy địa hình mỗi vùng. Tuy nhiên, giai đoạn kiến thiết cơ bản làm cành chính, cành phụ rất quan trọng. Đặc biệt, từ giai đoạn cây non, nếu làm không đúng kỹ thuật sẽ không đạt hiệu quả sau này.