Hơn 150 doanh nghiệp sẽ tham gia Lễ hội mua sắm Tết Giáp Thìn trong ngành gỗ 11 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 6,5 tỷ USD Cơ hội và thách thức mới đối với ngành gỗ |
Triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực. |
Nhiều thách thức trong ngắn hạn
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Đồ gỗ và nội thất Việt Nam do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) phối hợp với các hiệp hội chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 6/3.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm gần 93% tổng giá trị thương mại lâm sản hàng năm của Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ duy trì ở mức hai con số trong thời gian dài, kể cả giai đoạn dịch COVID-19.
Tuy nhiên, năm 2023 với tác động dây chuyền từ xu hướng suy thoái kinh tế, lạm phát lan rộng, xung đột ở nhiều khu vực đã khiến ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn hàng giảm sút do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu; trong đó, có sản phẩm gỗ và nội thất. Đầu ra của ngành gỗ và nội thất Việt Nam phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nhưng sức mua của các khách hàng lớn tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều đồng loạt giảm sâu.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt.
Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản toàn quốc đạt khoảng 14,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022.
"Đây là mức giảm cao nhất trong 20 năm qua của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu chưa từng gặp. Sự sụt giảm đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Việc sụt giảm đó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung nguyên liệu của người trồng rừng trong năm qua”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhận định, bước sang năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 2,4 tỷ USD.
Ngành gỗ cần làm gì để đi đường dài?
HawaExpo 2024 diễn ra từ ngày 06 – 09/3/2024, quy tụ hơn 500 đơn vị triển lãm, trong đó hơn 80% là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng lớn trên thế giới, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành gỗ trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nói và cho biết thêm, trước bối cảnh đó, Bộ Công thương, đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cả về môi trường và xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững của thế giới.
"Trong nhiều năm qua, các hiệp hội ngành gỗ trung ương và địa phương đã thể hiện vai trò cầu nối, chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, giao thương xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài tương đối hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kết nối của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam hiện đang là một trong những ngành hàng có giá trị xuất siêu lớn nhất cả nước. Ngay cả năm 2023, mặc dù khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng ngành gỗ vẫn mang lại giá trị xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất, đồ mỹ nghệ với hơn 300.000 lao động. Với việc mở rộng diện tích rừng trồng và thúc đẩy sử dụng các nguồn cung gỗ hợp pháp, Việt Nam đang sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ chuỗi cung ứng này.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, những khó khăn mà ngành gỗ đã và đang trải qua như nhu cầu thị trường giảm, xung đột giữa các quốc gia và căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá vận chuyển tăng cao vẫn đang tiếp diễn nhưng sẽ chỉ mang tính giai đoạn. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ và nội thất trong dài hạn vẫn tăng lên, Việt Nam dù nằm trong top các quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn của thế giới nhưng vẫn chiếm thị phần rất nhỏ. Để mở ra dư địa phát triển, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần phải có giải pháp để từng bước tăng thị phần ở các thị trường quan trọng, không ngừng khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Trong khi đó ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) chia sẻ, quan sát thị trường và tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ, dù đều bị tác động của xu hướng suy giảm tiêu dùng nhưng mức giảm ở các nhóm doanh nghiệp là khác nhau. Với nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có giá trị trung bình trở lên và có chuỗi mua hàng ở nước ngoài thì mức độ sụt giảm đơn hàng chỉ ở mức 20%.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng giá trị thấp và không có hệ thống mua hàng bị giảm tới 40% lượng đơn hàng. Điều này cho thấy, lạm phát và suy thoái kinh tế ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm người có thu nhập thấp và họ nhanh chóng cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu. Thêm vào đó, người tiêu dùng thế giới ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, các giá trị tăng thêm trong thiết kế, công dụng của sản phẩm.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Về tổng thể, ngành Gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023. Vì vậy, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành Gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Các chuyên gia cho rằng, để đi đường dài, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng mừng là thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.