Nhận diện, biến bất lợi thành lợi thế để phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là giải pháp được tỉnh Ninh Thuận thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực. Minh chứng rõ nét nhất đó là việc biến nhiều khu vực khô cằn, thiếu nước tưới trở thành vùng đất tiềm năng, chuyên sản xuất cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tiêu biểu như cây măng tây xanh - loại thực phẩm đang mở ra triển vọng mới góp phần tái cơ cấu nông nghiệp địa phương.
Một cánh đồng trồng măng tây theo tiêu chuẩn organic tại Ninh Thuận
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch vùng đất cát ở một số địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để trồng măng tây xanh. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho loại cây trồng này.
Nhằm thu hút đầu tư, nhiều cơ chế, chính sách đã được tỉnh ban hành, áp dụng như hỗ trợ hợp tác xã mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu.
Tỉnh còn tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ, sinh học.
Măng tây là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao
Cây măng tây xanh là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô. Trong đó, có 2,2% protein, 1,2% glucid, 0,6% celluloze và 21% các chất khoáng như Mg, K, Ca... Ngoài ra, măng tây xanh còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp. Vì những lợi ích đó, cây măng tây được giới ẩm thực ưa thích.
Theo các hộ trồng măng tây xanh, khí hậu khô nóng cộng với đất cát thịt ở Ninh Thuận thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển. Măng tây xanh sinh trưởng chủ yếu nhờ phân hữu cơ, nước sạch. Sau một đêm, cây măng có thể dài thêm từ 10 - 15 cm. Cây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên người trồng thường thu hoạch vào khoảng 5 - 6 giờ sáng lúc măng tươi, giòn, chưa lên bông. Trồng măng tây xanh ít tốn công chăm sóc, bón phân, ít phải phun thuốc, khi có sâu bệnh dùng chế phẩm sinh học xịt nên rất an toàn.
Để tối ưu hóa chi phí đầu tư, người trồng lắp đặt thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây. Việc làm này không chỉ tiết kiệm được nước mà còn giảm được 70% công lao động, 50% phân bón, giảm tình trạng cát bay mà năng suất lại gấp đôi.
Đặc biệt, trên mỗi sào đất sản xuất, nông dân còn trồng xen cây đậu phộng, cải trắng với măng tây xanh, đây là giải pháp vừa hạn chế cỏ dại phát triển vừa tăng thu nhập cho mỗi mùa vụ. Sau khi thu hoạch các loại mây màu với thời gian xen kẽ, bà con còn tận dụng cả nguồn phế phẩm của các loại cây màu này để tăng độ phì cho đất tốt hơn.
Măng tây xanh ở Ninh Thuận sử dụng mô hình tưới phun mưa, tiết kiệm nước
Với tinh thần vượt khó, chủ động trong sản xuất, đồng bào Chăm đã biến hàng chục ha đất cát thường xuyên bị bỏ hoang vào mùa hạn thành cánh đồng măng tây xanh tốt, có giá trị và năng suất cao. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, bà con tích cực tham gia các phong trào địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường…
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng mới và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; đồng thời tập huấn kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh tại vườn cho người dân gắn với hướng dẫn chăm sóc, bảo quản, sử dụng thuốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng để tạo ra sản phẩm thực sự an toàn cho người tiêu dùng.
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn quy trình canh tác, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản; đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực.
Măng tây xanh là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Ninh Thuận. Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai, tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 sản phẩm đặc thù; trong đó có măng tây xanh và vào danh sách sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trên thị trường, sản phẩm măng tây xanh của Ninh Thuận luôn được ưa chuộng bởi giàu dinh dưỡng. Ngoài dùng làm thức ăn tươi, măng tây xanh còn được chế biến thành trà, làm hóa mỹ phẩm… Hiện Ninh Thuận đã có hơn 500 ha măng tây xanh.
Khánh Hòa