Hiện, Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn.
Đáng nói, là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam lại chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khi phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, phụ gia lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng tới loạt các nước như Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga,…, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi càng khó khăn bởi các quốc gia này đều là nguồn cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam. Giao thương và hệ thống logistic gần như tê liệt, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải ngừng sản xuất.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty C.P Chăn nuôi CP Việt Nam
Về vấn đề trên, ông Vũ Anh Tuấn Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu tích trữ của C.P Việt Nam hiện chỉ đủ để sản xuất đến hết tháng 5/2020. Nếu đại dịch Covid-19 trên thế giới trong thời gian tới không suy giảm, việc nhập khẩu ngô, khô dầu đậu tương, phụ gia thức ăn chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa. Do đó, kịch bản khủng hoảng thiếu nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi trong vai ba tháng tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Tuấn chía sẻ, nhà máy tại Hà Nội chỉ hoạt động khoảng 80% công suất thiết kế, tương đương gần 50 nghìn tấn/tháng. Thức ăn chăn nuôi là khâu quan trọng, nếu trục trặc sẽ ảnh hưởng không chỉ đến toàn bộ chuỗi sản xuất mà cả việc cung ứng con giống, các sản phẩm thịt ra thị trường. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng nêu ra các khó khăn khác khi dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao do chưa có vắc-xin phòng bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi gia cầm, nhưng giá xuống thấp, khó tiêu thụ.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã gây ảnh hưởng đến 33 nghìn cơ sở chăn nuôi, buộc phải tiêu hủy gần 545 nghìn con, tương đương hơn 37 nghìn tấn lợn hơi.
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Mavin, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi của Mavin cũng như của các doanh nghiệp trên thị trường.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Mới đây trong buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Về nguồn vốn, thành phố làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị chuyển từ cho vay có tài sản thế chấp sang cho vay thông qua các dự án sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn giống.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định: Chăn nuôi là thế mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố. Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, nhưng đây là lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh chóng, giúp sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay.
Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đối mặt trong thời gian qua, nhất là ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19; đồng thời yêu cầu các địa phương có doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm các điều kiện thiết yếu như điện, nước để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi mở rộng sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ sở chăn nuôi tái đàn, phát triển đàn vật nuôi. Thành phố cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ cảng đến nhà máy, từ nhà máy đến các đại lý, cơ sở chăn nuôi. Trong những ngày tới, thành phố sẽ làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện công tác tái đàn, phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn.
Hà An