Cá bống cảnh dễ bị chết nếu nước trong bể thủy sinh không sạch. |
Cá bống cảnh cuốn hút vì tập tính hoang dã và máu chiến
Trong một lần đi tắm sông, Nguyễn Ngọc Hải (27 tuổi), ngụ tại Dương Văn An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế, bắt được một vài con cá bống rồi đem về nhà nuôi trong bể thủy sinh, làm thú vui mỗi ngày.
"Cá bống cảnh dễ nuôi, đặc biệt là sẵn sàng "khè" với những đồng loại trong hồ. Bên cạnh đó, con vật này hay lẩn trốn, đào hang, tìm thức ăn ở dưới nền cát của bể thủy sinh… ", Hải nói.
Hải chia sẻ thêm: "Cá bống được nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm mua về nuôi. Thường người chơi chủ yếu thích dòng cá sống ngoài tự nhiên vì vẫn còn tập tính hoang dã".
Nắm bắt được xu hướng, đầu năm 2023, Ngọc Hải mua hàng ngàn con cá bống từ người dân bản địa bắt rồi đem về thuần lại. Đến thời điểm hiện tại, Hải đang nuôi và kinh doanh các dòng cá bống cảnh như: cầu vồng bản địa, vân mây, chulae… có giá từ vài chục ngàn đồng đến 200.000 đồng/con, tùy kích thước. Trung bình mỗi tháng Hải kiếm được gần 20 triệu đồng nhờ kinh doanh loài cá này.
Ngọc Hải đam mê thủy sinh, đặc biệt là các dòng cá bống cảnh. (Ảnh Tấn Đạt). |
Theo Hải, muốn thuần được cá bống ngoài thiên nhiên, người nuôi không nên thả ngay vào bể thủy sinh để tránh bị chết. "Sau khi mua về, người nuôi phải cho cá bống sống trong bể có nguồn nước thiên nhiên (sông, suối). Trong vòng 3 ngày, mới đổ nước của hồ thủy sinh vào với định lượng lần lượt là 10%, 20%, 30%, thì dần dần cá bống sẽ thích nghi được với không gian sống mới", Hải chia sẻ.
"Môi trường bể phải đầy đủ lọc, hệ vi sinh cùng lượng ô xy trong nước phải tốt. Thức ăn của cá bống chủ yếu là: trùn chỉ, atermia, các loại cám. Bên cạnh đó, tập tính cá bống là chui rúc, thích đào hang. Thế nên, người nuôi phải tạo những khe hở, hốc đá để cá hoạt động, tránh bị stress dẫn đến bỏ ăn rồi chết", Hải chia sẻ.
Thú chơi nở rộ kiếm 40 triệu đồng/tháng từ cá bống cảnh
Nắm bắt được nhu cầu chơi cá bống cảnh của giới trẻ, anh Phạm Văn Thắng (35 tuổi, quê ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ), đã tuyển lựa và mở rộng quy mô trại cá bống cảnh và đem lại lợi nhuận cao. Hiện anh Thắng đang kinh doanh hơn 1.000 con cá bống tê giác, bống bản địa hoang dã…
Anh Thắng kể: "Cá bống trưởng thành hay "khịa", đuổi theo cắn các loại cá khác và tự đào hang trong bể thủy sinh, thay đổi màu sắc giống với môi trường sống... đó chính là những lý do mà tôi thích cũng như nhiều người mua con vật này về nuôi".
Theo anh Thắng nếu bể nuôi có nhiệt độ không phù hợp, nhiều tạp chất thì cá bống cảnh dễ bị bệnh. Vì vậy, cần thường xuyên thay nước, đảm bảo môi trường sạch sẽ.
"Nhiệt độ bể nuôi cá bống cảnh phù hợp nhất là từ 25 - 27 độ C, còn độ pH trong nước là 6.5 - 7. Ngoài ra, cần tránh trường hợp nhiệt độ nước thay đổi đột ngột, sẽ khiến cá bị sốc, nên khống chế mức chênh lệch trong khoảng vài độ C", anh Thắng nói.
Cá bống cảnh có nhiều dòng và được giới trẻ ưa chuộng. |
Anh Thắng còn chia sẻ: "Mật độ nuôi cá không nên quá dày. Vì hiện nay, một số người thả nhiều cá vào bể cùng một lúc, hành động này chỉ gây hại, bởi mỗi loại sinh vật cảnh trong thủy sinh đều cần có không gian sinh sống".
"Ngoài bán cho những khách quen, tôi còn đưa cá bống cảnh lên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, để quảng bá thương hiệu cũng như kinh doanh thêm... Nhờ bán số lượng đều đặn, mỗi tháng doanh thu tôi đạt từ 30 - 40 triệu đồng", anh Thắng cho biết.
Thú chơi cá cảnh được nhiều người ưa thích bởi tập tính hoang dã của mỗi loài cá. Riêng với cá bống cảnh mang tới sự hấp dẫn riêng. Không chỉ chơi vì đam mê, nhiều người còn kết nối thị trường cá cảnh để chia sẻ kỹ thuật, cung cấp nguồn cá tạo thành công việc cho thu nhập khủng./.