Thứ hạt “tí hon” vào mùa, giá 100.000 đồng/kg, chị em tranh nhau đặt mua |
Khác với loại hạt dẻ to Trùng Khánh, hạt dẻ thóc nhỏ cỡ đầu ngón tay, 1.000 hạt mới được 1kg, nên còn được gọi là hạt dẻ tí hon.
Thế nhưng “nhỏ mà có võ”, nhiều người thích loại hạt dẻ thóc bởi ăn thơm bùi và có vị ngọt thanh hơn so với các loại hạt dẻ to. Nhân hạt chắc và có màu trắng tinh.
Vừa mới đầu mùa nhưng trên “chợ mạng”, hạt dẻ thóc đã được các tiểu thương rao bán rầm rộ với giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, có những người bán đến 100.000 đồng/kg. Theo chị Hân, một tiểu thương bán nông sản online: “Nhiều người chờ 1 năm mới được ăn lại hạt dẻ thóc nên khi vừa mở bán đã có khách hàng đặt mua. Có người mua hẳn 5kg về ăn dần. Hạt dẻ rừng nên độ sạch đảm bảo, dẻ ăn bùi thơm đậm đà”.
Hạt dẻ khi mua về rửa sạch, luộc từ 8-10 phút, sau đó cho lên chảo đảo thêm khoảng 10 phút nữa là thơm lừng, vỏ nứt toác để lộ phần nhân trắng ngần bên trong, chị Hân chia sẻ.
Hạt dẻ thóc vỏ ngoài có màu nâu trầm, vỏ không được nhẵn nhụi như loại hạt dẻ Trùng Khánh. Khi được làm chín, vỏ hạt dẻ nứt to để dễ dàng lấy được phần hạt bên trong.
Chị Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Hạt dẻ to thì dễ bóc và ăn bùi bùi như khoai, nhưng mình thích hạt dẻ thóc hơn, chúng có ngon ngọt và mang cả hương thơm của núi rừng”.
Không chỉ dùng để luộc hay rang, nhiều chị em còn chế biến hạt dẻ thóc thành nhiều món ăn ngon. Chị Nguyệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội): “Nhà mình hay nghiền hạt dẻ thóc ra để cho vào chè giống kiểu hạnh nhân, ăn dậy vị bùi thơm. Ngoài ra, cuối tuần mình còn nấu xôi hạt dẻ để đổi vị cho cả nhà. Xôi hạt dẻ có vị thơm phức, ăn bùi mà không bị ngán”.
Nhập được một lô hạt dẻ thóc gần 1 tạ ở Bắc Giang xuống, chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) vừa chốt đơn vừa đóng hàng gửi cho khách. “Không ngờ, tôi vừa đăng lên bán chưa đầy nửa tiếng đã nhận hàng chục đơn đặt hàng với số lượng lên đến hơn 2 tạ, tôi phải từ chối bớt”, chị nói.
“Đây là năm đầu tiên tôi nhập hạt dẻ thóc về bán, tôi khá bất ngờ vì nhận được đơn đặt hàng nhiều đến vậy. Giờ tôi không có đủ hàng để bán nên một số khách đặt sau phải chờ đến đợt về hàng tiếp theo”, chị cười nói.
Chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhập hạt dẻ thóc ở Quảng Bình về bán. “Nhìn thấy hạt dẻ này là lại nhớ tuổi thơ, thèm quá! Vì vận chuyển xa nên tôi gom đơn cùng công vận chuyển, mỗi lần gom khoảng 50kg là tôi gọi để họ vận chuyển ra. Cũng nhanh thôi, nay gọi thì mai là có hàng”, chị nói.
Tính từ đầu vụ tới giờ, chị gom trung bình mỗi ngày được gần tạ nên cứ 2 ngày chị lại nhập về một chuyến để tiện bán. Theo chị, loại hạt dẻ này nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay nhưng ăn thơm, ngon và rất bở.
Hạt dẻ này thường xuất hiện vào từ tháng 10 đến tháng 12 nên khách hàng thường tranh thủ đặt mua về ăn để tận hưởng món quà mùa thu mà thiên nhiên ban tặng.
Theo chị Nhung (Điện Biên) cho biết cứ đầu tháng 10, khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, người dân tại các bản lại háo hức gọi nhau lên rừng nhặt hạt dẻ. Trước đây, hạt dẻ chưa được ưa chuộng nên người dân nhặt hạt dẻ chủ yếu để chế biến một số món ăn cho gia đình.
Vài năm trở lại đây, hạt dẻ thóc được biết đến nhiều và nhu cầu thị trường tăng nên người dân ở vùng chị sinh sống rủ nhau vào rừng nhặt về bán để có thêm thu nhập.
Thời điểm này, người dân ở vùng Tây Bắc thường vào rừng từ sáng sớm, len lỏi qua những tán rừng rậm rạp tìm những cây dẻ sai quả để thu lượm hạt dẻ. Được biết việc tìm hạt dẻ trong rừng là không dễ. Quả dẻ có nhiều gai sắc nhọn, phải bóc lớp vỏ này mới có thể thu hạt dẻ. Mỗi ngày chỉ có thể thu lượm được 10 – 15kg hạt dẻ.
Tranh thủ hạt dẻ lúc đang rộ, nhiều người mua tích trữ để ăn dần. Hạt dẻ để trong tủ lạnh có thể sử dụng được từ 1 – 2 tháng. Đến tháng 12 là sẽ hết mùa hạt dẻ, muốn ăn sẽ phải chờ đến sang năm.
Cao Bằng: “Thủ phủ” hạt dẻ Trùng Khánh vào mùa thu hoạch |
Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch |
Cao Bằng: Tập trung phát huy tiềm năng từ cây chè Đoỏng Lẹng |