Họa sĩ Bùi Đình Thanh Hải sưu tập thạch xương bồ từ năm 2019. |
Tương truyền ở đầu nguồn tả, hữu trạch có loài cỏ thạch xương bồ rất thơm mọc dưới nước nên nước sông Hương có mùi thơm (sông Hương - sông Thơm). Loài thảo hương này gắn liền với truyền thuyết nguồn gốc tên gọi sông Hương, với tên gọi thạch xương bồ. Giống cỏ thơm này còn được ví như là một vị thuốc trường sinh. Theo đông y, lá thạch xương bồ phơi khô, gặp người ngất xỉu chỉ cần hơ nóng rồi để người bệnh hít vào sẽ tỉnh lại ngay... Thân có nhiều đốt, lá xanh dạng kim, buổi sáng thường rất thơm và thích nghi với nước để sống.
Thứ thảo dược quý này tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết, ai ngờ hiện nay lại hiện diện trong thú chơi tao nhã của người mê cây cảnh.
Khu vườn của họa sĩ Hải có hơn 300 chậu thạch xương bồ. |
Họa sĩ Bùi Đình Thanh Hải (SN 1990 tại TP HCM) là một trong những người tiên phong sưu tầm cỏ thạch xương bồ để tạo kiểng bonsai. Trong khu vườn 50 m2 của họa sĩ có hơn 300 chậu cỏ thạch xương bồ tạo nên không gian xanh mướt.
Anh Hải cho biết: Tình cờ biết đến thạch xương bồ qua một kênh video nước ngoài, thấy đẹp và hợp để trên bàn trà cũng như bàn làm việc nên tìm hiểu và sưu tầm.
Thạch xương bồ có nhiều kích cỡ. |
Thạch xương bồ có tên khoa học Acorus gramineus, là loại cỏ sống lâu năm, xanh quanh năm, lá dài mảnh hình lưỡi kiếm, thân rễ gồm nhiều đốt và chứa tinh dầu với dược tính nhất định. Khi tác động (cắt tỉa), chúng tỏa mùi thơm nhẹ như mùi quế. Tùy loại thạch xương bồ mà màu sắc, lượng tinh dầu và mùi thơm của lá lại khác nhau.
Anh Lại Phước Long, người trồng thạch xương bồ lâu năm ở Huế cho biết trên thế giới, thạch xương bồ có gần 20 loại. Việt Nam cũng có 6 - 7 loại, phân bố tại các tỉnh phía Bắc, dãy Hoàng Liên Sơn, sông (suối) các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Thú chơi thạch xương bồ xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam. Trong văn hoá Á Đông, thạch xương bồ được cho là loại linh thảo có thể phòng bệnh, trừ tà. Xương bồ cùng với hoa lan, hoa cúc, thủy tiên được tôn thành "hoa thảo tứ nhã". Trong quá khứ, loài cỏ này từng hấp dẫn cả Hoàng thất lẫn sĩ phu, văn nhân. Dần dần, chúng trở thành vật trang trí trong viên lâm, thư phòng.
Hai chậu thạch xương bồ được bày trong nhà của kiến trúc sư Tuấn Anh. |
Theo anh Long, thú chơi thạch xương bồ từng phổ biến ở Việt Nam thời vua Minh Mạng nhưng sau đó mai một. Hai năm trở lại đây, nhiều người quan tâm và khôi phục thú chơi này. Đặc biệt, do Covid-19, nhiều người tìm đến thạch xương bồ bởi họ có nhu cầu gần gũi thiên nhiên mà thạch xương bồ lại có các ưu điểm như nhỏ gọn, dễ bài trí cả trong nhà lẫn ngoài vườn.
Ở Hà Nội, Đỗ Tuấn Anh cũng là một thành viên của nhóm chơi thạch xương bồ. Kiến trúc sư 32 tuổi hiện có gần 30 chậu lớn nhỏ, thuộc sáu loại. "Những cây đã thuần dưỡng khỏe mạnh được trưng bày trong phòng khách, trên bàn trà và bàn làm việc. Còn lại tôi đặt ở ban công", anh Tuấn Anh chia sẻ.
"Muốn có một chậu như ý thì phải dụng tâm nhiều", họa sĩ Hải nói, tiết lộ thêm mình từng làm hỏng nhiều thạch xương bồ do chưa có kinh nghiệm.
Họa sĩ Hải trồng thạch xương bồ theo nhiều cách khác nhau. |
Cách trồng thạch xương bồ tùy sở thích của mỗi người, về cơ bản có ba cách là trồng trong chậu, ký đá (trồng trên đá), phối đá với các loại cây mini khác (như trúc, bonsai mini, rau má). Tiêu chí là làm sao cho bố cục hài hòa, cân đối, tự nhiên.
Về điều kiện sống của cây, anh Hải cho biết thạch xương bồ ưa nơi thoáng mát và ánh sáng nhẹ, đất xốp dễ thoát nước, nguồn nước tưới sạch. Người trồng cần thường xuyên nhổ bỏ lá héo già, với những chậu lâu năm mọc dày thì cắt hết lá sát gốc để cây ra lá mới đẹp hơn và tròn đều hơn. Thạch xương bồ ký đá cần được thay nước trong khay hai - ba ngày một lần để tránh thối rễ. Khi tưới nên tưới đẫm vì thạch xương bồ rất thích nước.
Khu vườn thạch xương bồ cũng là nơi uống trà ưa thích của gia chủ. |
Tại Việt Nam, phần lớn thạch xương bồ được nhập từ Trung Quốc, giá dao động từ 60.000 đồng đến 550.000 đồng một cây, tùy giống và tuổi đời. Dù diện mạo mộc mạc và giá tiền không rẻ, thạch xương bồ vẫn hút người chơi bởi ngoài tác dụng tô điểm không gian sống, nó đem tới nhiều giá trị văn hóa và tinh thần./.