Vườn sầu riêng tại nhà vườn ở Tây Nguyên sắp cho thu hoạch. |
Sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế
Hiện những quả sầu riêng tươi của Việt Nam đã được bày bán tại thị trường Trung Quốc. Ông Lâm Long Đức - Tổng giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc), nhận định, sầu riêng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với Thái Lan hay Malaysia, bởi cự ly gần và chất lượng tốt.
"Từ phía Việt Nam đưa sầu riêng sang cửa khẩu Hữu Nghị chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Trái sầu riêng giữ được độ tươi ngon. Người tiêu dùng Trung Quốc từ nay sẽ được ăn sầu riêng ngon với giá cạnh tranh", ông Đức.
Theo đại diện Công ty TNHH Cung ứng toàn cầu Việt Hải, DN sẽ lên kế hoạch thu mua 1 triệu trái sầu riêng của Việt Nam, sau đó mở rộng quy mô, cùng với các doanh nghiệp Việt đầu tư vào các vùng trồng và xây dựng nhà máy chế biến.
Ông Nguyễn Vũ Thắng, Giám đốc vận hành Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát, cho biết, đơn vị này đã xuất khẩu được 3 container sầu riêng sang Trung Quốc. Sau đó mỗi tháng, công ty sẽ xuất 1.000 tấn theo đơn đặt hàng của đối tác.
Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng).(Ảnh: TTXVN) |
Ông Vũ Ngọc Huy - Công ty CP thương mại XNK Dũng Thái Sơn - tiết lộ, khi xuất container sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng, nhưng vùng trồng hiện nay chưa đáp ứng đủ lượng hàng.
Do đó, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành việc trồng từ 3.000-5.000 ha sầu riêng, tăng số lượng cung cấp cho thị trường, ông Huy cho hay.
Người Thái bất an trước cuộc đua khốc liệt
Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 821.600 tấn; giá trị nhập khẩu tăng 82,4%, lên 4,205 tỷ USD - mức cao lịch sử. Nhập khẩu sầu riêng tăng gần gấp 4 lần so với năm 2017, đà tăng được cho là còn nhanh nữa trong năm nay. Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, các chuyên gia nhận định tương lai quả sầu riêng sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện, Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường 1,5 tỷ dân này, chiếm 40% thị phần. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,51 tỷ USD. Đến năm 2021, do nhu cầu bùng nổ, Thái Lan thu về khoảng hơn 3 tỷ USD nhờ xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Thế nhưng, việc sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Trung Quốc với giá cả cạnh tranh khiến Thái Lan không khỏi bất an.
Một quầy bán sầu riêng ở chợ đầu mối trái cây tại Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, Trung Quốc. |
Truyền thông Thái Lan dẫn thông tin, trước kia Trung Quốc chỉ chấp nhận sầu riêng nước này nhập khẩu chính ngạch. Nay, việc sầu riêng Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia nông nghiệp Thái Lan lo lắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người trồng sầu riêng ở “xứ chùa Vàng”.
Báo chí Thái Lan cũng nhận định, sầu riêng của Việt Nam có giá cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ trong khu vực. Chưa kể, thời gian và quãng đường vận chuyển tới Trung Quốc ngắn hơn chắc chắn sẽ giúp sầu riêng Việt chiếm ưu thế so với hàng Thái. Cuộc đua trong thời gian tới sẽ càng sôi động khi Lào, Campuchia và Philippines cũng đang nhắm đến thị trường Trung Quốc, theo Bangkok Post.
Sầu riêng Việt Nam cần tính đường dài
Nhiều năm gắn bó với ngành sầu riêng, ông Hà Duy Trung, Chủ thương hiệu sầu riêng chín cây 9 Phẻ, cho đây là bước ngoặc tích cực cho bà con nông dân.
"Được xuất khẩu chính ngạch là cơ hội rất tốt cho sầu riêng Việt Nam. Tôi dự đoán 5 hoặc thậm chí 10 năm tới, xuất sầu riêng sang Trung Quốc vẫn còn dư địa phát triển", ông Trung bình luận.
Giới kinh doanh nhìn nhận, thị trường Trung Quốc quan trọng không chỉ về triển vọng sản lượng. Một vấn đề khác là các công nghệ sau thu hoạch hiện có của Việt Nam chủ yếu giúp sầu riêng tươi giữ nguyên chất lượng để đi đường bộ 3-4 ngày, mà Trung Quốc là điểm đến khả thi.
"Việc đi xa hơn bằng container lại không có nhiều công nghệ làm được nên nếu đóng container đi biển, trái sầu riêng sẽ gặp rủi ro chất lượng", một nhà xuất khẩu cho hay.
Bởi vậy, Việt Nam cần phải có chiến lược tạo ưu thế trên thị trường Trung Quốc. Mọt trong những giải pháp quan trọng là xây dựng thương hiệu và từng bước cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan và Malaysia tại thị trường Trung Quốc.
Nông dân huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN) |
Ông Nguyễn Vũ Thắng đánh giá, người Trung Quốc vẫn thích ăn sầu riêng tươi hơn nên hàng Thái phổ biến nhất, vì Musang King của Malaysia chủ yếu là tách muối cấp đông và thuộc phân khúc khác, tương đối cao cấp. Theo tìm hiểu của ông, người Thái quản lý chất lượng rất kỹ, nông trại nào sản xuất sầu riêng sai quy chuẩn có thể bị xử phạt, thậm chí là truy tố.
Đó là chưa kể hàng nhập từ Thái, một hộc sầu riêng có 4 múi là khá phổ biến, trong khi hàng Việt chủ yếu một hộc 3 múi nên cũng là một phần lý do giá sầu riêng nước này tại Trung Quốc có thể cao gấp đôi của Việt Nam. Theo ông Thắng, giá rẻ có thể coi là một lợi thế nhưng không phải lâu dài, vì không thể bán rẻ mãi.
"Bất lợi vào sau là sầu riêng Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh. Để cạnh tranh với Thái Lan và Malaysia, còn nhiều việc phải làm từ giống đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản", ông nói.
Sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc là cả một lộ trình dài để người trồng sầu riêng và doanh nghiệp có những thay đổi phù hợp. Không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam cần tạo dựng thương hiệu vững chắc để cánh cửa xuất khẩu luôn rộng mở./.