![]() |
Rau mứt mọc ở các tảng đá sát mép nước |
Rau mứt hay còn gọi là rong mứt, mứt biển, tên khoa học là Porphyra crispata, thuộc ngành rong đỏ. Đây là loại rau rong biển có giá trị dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần các loại rong khác, chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất. Hàm lượng chất béo không cao, rau mứt thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường.
Mứt biển có giá trị kinh tế cao nên người dân vùng biển coi đây là món quà thiên nhiên ban tặng. Cái tên “lộc biển” cũng xuất phát từ đó.
Cứ vào mùa mứt biển, người dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại kéo nhau về Gành Yến (thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải), nơi có những bãi đá xếp chồng lên nhau để săn lộc biển. Ngay cả những người gạo cội trong nghề cũng không thể biết chính xác cái nghề này có từ khi nào.
![]() |
Dụng cụ để đi hái rong mứt cũng khá đơn giản, miếng cào bằng nhôm, sắt cán mỏng để cào mứt ra khỏi mỏm đá, túi lưới đựng rong |
Bà Ngô Thị Tuyết (58 tuổi, thôn Thanh Thuỷ) cho biết: “Từ lúc còn nhỏ, khoảng 14 tuổi, tôi đã theo người lớn đi cạo mứt về bán. Cho đến giờ cũng hơn 30 năm trong nghề nhưng cũng không thể biết nó xuất phát từ khi nào. Cái nghề này giống như truyền thống của làng vậy, từ thời ông bà xa xưa đã có rồi”.
Cũng theo lời bà Tuyết, nhờ trời thương nên năm nào Gành Yến cũng xuất hiện lượng lớn mứt biển khi vào mùa. Những năm gần đây giá mứt biển rất cao, dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Cũng chính vì được giá nên số lượng người trong xã đi cạo mứt biển ngày càng nhiều, thậm chí thu hút người dân các xã lân cận tìm đến.
Mứt biển chỉ cần trời lạnh và mưa là sẽ mọc phủ kín các gành đá ven biển. Thời gian sinh trưởng cũng rất nhanh, thu hoạch xong nghỉ hai ba hôm là có thể thu hoạch tiếp. Năm nay thời tiết tại tỉnh Quảng Ngãi mưa lạnh nhiều, đó cũng là một phần nguyên nhân người săn mứt biển tại Gành Yến được mùa. Chỉ trừ những hôm biển động mạnh quá thì người dân mới không đi thu hoạch mứt biển. Vào dịp cuối mùa (tháng 12 âm lịch), mứt biển ít dần đi nhưng nếu ai siêng năng thì cũng kiếm được 3 đến 4 kg mỗi ngày.
Anh Phan Thanh Phước (58 tuổi) ở xã ven biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), người làm nghề này cho hay, mỗi khi mùa vụ đến, phải chuẩn bị dụng cụ: một bao lưới để đựng rau; cái cạo rau làm bằng tôn cỡ chén ăn cơm để cầm vừa tay khi cạo rau mứt (có người dùng vỏ ngao, muỗng ăn cơm... thay thế).
Với giá 200 đến 300 ngàn đồng/ kg rau mứt tươi, vào chính vụ, người siêng năng cũng kiếm được vài ba trăm nghìn cho một ngày chắt chiu từng nhúm rau trên ghềnh đá.
Mỗi cân rau mứt khô có giá từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân một vụ rau mứt được mùa của chị Huế khoảng 80 triệu đồng. Tuy cho thu nhập cao nhưng đây là nghề nguy hiểm đến tính mạng nên người dân vùng biển thường có câu “Rau mứt ngon canh, té gành (ghềnh) lọt hố”.
![]() |
Có người dùng vỏ ngao, sò... cạo rau |
Ông Nguyễn Văn Vũ (63 tuổi), người dân xã Thanh Thuỷ cho biết, mứt biển dù tươi hay khô đều nấu được rất nhiều món ngon. Mứt tươi khi mới hái về đem ngâm rồi rửa sạch. Nhanh nhất là trộn gỏi, nấu canh, xào với thịt ba chỉ đều được. Còn với mứt khô thì chỉ cần đem ngâm với một ít nước sẽ nở ra giống như mứt tươi.
Người dân quanh khu vực Gành Yến thường chọn cách rất dân dã là nấu canh với thịt ba chỉ. Một tô canh mứt biển cũng đủ năng lượng sau một ngày còng lưng cạo mứt trên gành đá.
Không chỉ đơn giản là một loại thực phẩm ngon mà mứt biển còn rất tốt cho sức khỏe. Người dân ở đây thường đồn nhau rằng ăn mứt biển sẽ giải độc, thanh mát cơ thể. Từ người lớn cho đến trẻ con đều ăn được. Có lẽ đó cũng chính là lý do mứt biển tại Gành Yến được thương lái và người dân các xã lân cận săn lùng.
![]() |
![]() |
![]() |