Lợn ăn thảo dược, nghe nhạc trữ tình
Đến đầu xóm 5, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hỏi thăm Trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục của gia đình anh Nguyễn Văn Thục thì không ai là không biết. Bởi, anh là người đầu tiên ở Nam Định nuôi lợn bằng thảo dược.
Anh Thục cho đàn lợn ăn bằng nguồn thức ăn tổng hợp, được chế biến từ thảo dược |
Trang trại nằm trong con ngõ nhỏ, xa khu dân cư sinh sống. Xung quanh trang trại được xây dựng tường bao kiên cố, cổng trang trại luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Hỏi ra mới biết, trang trại thực hiện “cấm trại”, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nghiêm cấm người lạ ra - vào trại nuôi, nhằm phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Anh Thục khoe: “Nhờ chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học, thực hiện tốt các phương pháp phòng, chống bệnh dịch trên đàn vật nuôi nên đàn lợn khoảng 300 con của trang trại lúc nào cũng an toàn, khỏe mạnh. Từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, trang trại chưa bị bệnh dịch này “tấn công” bao giờ”.
Tính đến nay, anh Thục đã có gần 30 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn. Mỗi lứa lợn bán ra thị trường, anh lại tích cóp được ít vốn để đầu tư, tái tạo sản xuất. Từ quy mô trang trại vài chục m2 ban đầu (năm 1992), đến nay trang trại của gia đình anh đã được mở rộng với tổng diện tích hơn 4.000m2.
Trang trại được chia làm 3 dãy chuồng nuôi với hệ thống khép kín; ấm áp về mùa đông, mát về mùa hè. Không những thế, đàn lợn còn được ông chủ cho nghe nhạc trữ tình, giúp giảm bớt căng thẳng, ăn ngon, ngủ yên… Mỗi ngày, đàn lợn được thưởng thức dòng nhạc trữ tình khoảng 5 tiếng.
Anh Nguyễn Văn Thục giới thiệu một số loại thảo dược mà trang trại đang sử dụng |
“Anh chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược từ khi nào?”, tôi hỏi. Anh Thục đáp: “Đầu năm 2015, qua đài, báo, tôi biết đến mô hình chăn nuôi lợn thảo dược nên đã vào mạng tìm hiểu công dụng của các loại thảo dược. Ngay trong năm đó, tôi quyết định chuyển đổi nguyên liệu thức ăn là cám công nghiệp sang nguồn thức ăn chăn nuôi tự phối trộn từ thảo dược”.
Anh Thục thổ lộ, ngoài nguyên liệu chủ yếu là cám gạo, cám ngô, cá khô, vỏ sò, đậu tương, trang trại còn cho thêm nhiều loại thảo dược khác như kim ngân, quế chi, thảo quả, hoàng đẳng sâm… vào khâu chế biến thức ăn cho đàn lợn. Các loại thảo dược được nghiền nhỏ, loại nào để riêng loại đó; khi nào cho lợn ăn mới bắt đầu phối trộn theo tỷ lệ có sẵn.
“Mỗi loại thảo dược đều có công dụng riêng của nó. Ví dụ kim ngân giúp tăng cường sức đề kháng, giải độc cho lợn; quế chi phòng khám viên cho lợn; vỏ sò bổ xung can xi cho lợn…”, anh Thục giới thiệu về công dụng thảo dược.
Nhờ chăn nuôi lợn bằng thảo dược, nên chất lượng thịt lợn của trang trại ngon hơn nhiều so với nuôi cám công nghiệp; thịt mềm và thịt lạc có màu đỏ tự nhiên.
Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, có thông tin rõ ràng |
Sở hữu 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Với phương châm “ngon tại giống, sạch tại tâm”, Trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu. Coi trọng sức khỏe của người tiêu dùng, khách hàng là số 1. Do đó, mọi quy trình sản xuất đều được khép kín, đảm bảo sạch sẽ từ đầu vào cho đến đầu ra.
Theo anh Thục, hiện nay trang trại đang chăn nuôi, sản xuất khép kín theo mô hình 3F: Feed - Farm - Food và áp dụng 4 “không”. Không sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, chất tăng trọng, không kim loại nặng trong chăn nuôi.
Năm 2020, anh Nguyễn Văn Thục vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước CHXHCNVN) tặng bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Năm 2021, anh Nguyễn Văn Thục được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân xuất sắc năm 2021. |
Để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2019, trang trại đã đầu tư xây dựng lò giết mổ lợn với công suất 10 con/ngày. Lợn sau khi giết mổ được pha lọc, cắt xẻ, thái miếng và đóng gói cẩn thận.
Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm OCOP, logo… giúp người tiêu dùng nhận diện dễ dàng về sản phẩm. Bởi vậy, các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn của trang trại luôn có chỗ đứng trên thị trường.
“Hiện tại, trang trại có một số sản phẩm chủ lực như thịt lợn hơi, xúc xích, ruốc thịt lợn, giò… Trong số này, đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thịt lợn, xúc xích, ruốc”, anh Thục bộc bạch.
Anh Thục cho biết, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao thương hiệu của trang trại. Qua đó, người tiêu dùng, khách hàng biết đến nhiều hơn.
Giấy công nhận sản phẩm OCOP |
Hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 300kg thịt lợn hơi, 15 - 20kg xúc xích và khoảng 5 - 10kg ruốc, tùy vào đơn đặt hàng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Nam Định, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Để sản phẩm của trang trại đến gần hơn với người tiêu dùng, cuối năm 2019, gia đình anh Nguyễn Văn Thục đã khai trương cửa hàng tiện ích mang tên “Nông sản sạch Trực Thái” với slogan “Hiền Thục Famr - vì một tương lai xanh”. Cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch gồm rau, củ, quả, hải sản và thịt lợn của trang trại.
Ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết, trang trại chăn nuôi lợn Hiền Thục đang hoạt động theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thảo dược nên sản phẩm khi đưa ra thị trường được khách hàng tin dùng. Trang trại đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm phát động cuộc thi viết, ảnh Chương trình OCOP năm 2022 Cuộc thi nhằm cổ động, lan tỏa những giá trị tích cực; thúc đẩy triển khai, đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Cuộc thi viết, ảnh về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 nhằm phản ánh, tuyên truyền về những thành quả tích cực, cách làm sáng tạo, hiệu quả; những mô hình tốt, các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” thời gian qua... Đồng thời, cổ động, biểu dương, khuyến khích các cộng đồng, tập thể về cá nhân có đóng góp cho Chương trình OCOP Quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, truyền thông rộng rãi về vai trò quan trọng, mục đích sâu rộng của chương trình OCOP, thúc đẩy thực hiện thực hiện thành công chương trình hướng đích mục tiêu đã định; tạo niềm tin tất thắng trong nâng cao, bền vững thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa cho người dân. Truyền cảm hứng, động lực chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thu hút sự tham gia của các chủ thể, cổ vũ phong trào khởi nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; truyền thông - thương mại sản phẩm, kết nối cộng đồng, phát triển du lịch, quảng bá lịch sử - văn hóa – truyền thống và góp phần để OCOP thực sự gắn sao trong lòng dân, phát triển Thương hiệu Quốc gia. Bên cạnh đó, Cuộc thi còn phản ánh thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn phát sinh; phân tích nguyên nhân, đem đến các giải pháp hữu ích, khả thi để OCOP thực sự trở thành chương trình quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đưa nông thôn trở thành những “Miền quê đáng sống”... Theo BTC, cơ cấu giải thưởng "Cuộc thi viết, ảnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022" gồm có: 01 giải đặc biệt (10.000.000đ), 01 giải nhất (8.000.000đ), 02 giải nhì (5.000.000đ), 03 giải ba (3.000.000đ) và 05 giải khuyến khích (2.000.000đ). Tổng giá trị giải thưởng gần 50 triệu đồng. Lễ tổng kết, trao giải "Cuộc thi viết, ảnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2022. |